|
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam khóa XX nhiệm kỳ 2020-2025. |
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh yêu cầu này khi tới dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 vào sáng 21/9.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng những thành tích Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, kết quả đó tạo nền tảng quan trọng để Hà Nam tiếp tục phát triển nhanh, đạt được những mục tiêu nhiệm kỳ đến, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát triển chung của đất nước.
Trên cơ sở dự thảo các văn kiện trình tại Đại hội, các ý kiến tham luận và qua theo dõi tình hình của Hà Nam, có thể khẳng định, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đã kế thừa, phát huy thành tựu của những nhiệm kỳ trước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, giành được nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Nam trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Đại hội thảo luận kỹ những hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có biện pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được góp ý kiến từ Đại hội cơ sở, cấp trên cơ sở, các đồng chí nguyên lãnh đạo của tỉnh, các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho ý kiến, Tỉnh uỷ đã nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện. Đồng thời, Hà Nam cần nghiên cứu các vấn đề được đề cập trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XIII để hoàn thiện Báo cáo phù hợp với thực tiễn của địa phương mình, đó là các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển, chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2021-2025, định hướng 2021-2030, các đột phá chiến lược, các nội dung chính, bao gồm: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước nhanh, bền vững; Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh KHCN; Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; Quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường quốc phong, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân; Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh thêm một số nội dung để Đại hội quan tâm thảo luận.
Một là, những năm tới, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, cạnh tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt hơn. Việc tham gia các hiệp định song phương, đa phương, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, phân hoá giàu-nghèo, năng lực quản trị quốc gia, doanh nghiệp... Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực. Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động của đại dịch COVID-19 làm cho thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, các vấn đề về an ninh phi truyền thống, ô nhiễm môi trường, chống phá của các thế lực thù địch, phản động... sẽ tác động nhiều chiều đến công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước trong quá trình phát triển, Đảng bộ Hà Nam cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc những yếu tố tác động, tận dụng được cơ hội để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa Hà Nam tiếp tục có bước phát triển mới.
Hai là, tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ, chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, gắn bó mật thiết với Nhân dân, trong đó, công tác cán bộ phải là khâu then chốt, điểm đột phá; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết nội bộ Đảng làm cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân tham gia giám sát, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
Ba là, tiếp tục nâng cao tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; đổi mới tư duy, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn thực hiện có hiệu quả, thực chất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ tới, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện các đột phá; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; phát huy lợi thế liên kết vùng, cửa ngõ thủ đô Hà Nội; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực lãnh đạo, quản lý. Hà Nam cần quan tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng vào những ngành có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, lao động trong nông nghiệp làm cơ sở để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Chú trọng phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao phúc lợi, an sinh, có giải pháp giảm phân hoá giàu-nghèo, sao cho người dân Hà Nam được thụ hưởng những kết quả có được một cách công bằng, hợp lý nhất. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ hơn. Đồng thời, quan tâm giải quyết những tiềm ẩn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.
Cùng với việc thảo luận, quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển, thông qua Chương trình hành động, Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, đóng góp ý kiến cho các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội còn phải thực hiện nhiệm vụ bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2020-2025 và Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Đại hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm để lựa chọn những đồng chí bảo đảm tiêu chuẩn, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm để bầu vào Ban Chấp hành khóa XX với cơ cấu hợp lý. Đồng thời, lựa chọn được các đại biểu tiêu biểu, thay mặt cho Đảng bộ tỉnh dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đóng góp vào thành công của Đại hội.
Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tin tưởng rằng Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hà Nam sẽ phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí phấn đấu, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội đề ra, xây dựng tỉnh Hà Nam đạt mức phát triển khá của Vùng Đồng bằng Bắc Bộ; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của nhân dân.
Theo Báo Hà Nam-Baochinhphu.vn