Sáng nay (25/10), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch. Ông Thanh cho biết, đa số các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch và nhiều nội dung trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc (ĐBQH) hội băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch.
Quy hoạch "tam cấp"
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần phân biệt rõ hai loại quy hoạch: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Đối với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm quy hoạch quốc gia và quy hoạch tỉnh, việc phát triển loại quy hoạch này sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế xã hội của đất nước hay của địa phương. Các vấn đề này nên được quy định theo các nguyên tắc thống nhất từ trên xuống. Vì thế, các góp ý mang tính từ dưới lên sẽ chỉ là yếu tố tham khảo. Đối với quy hoạch sử dụng đất thì chỉ nên phân thành hai loại là quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là quy hoạch lãnh thổ hoặc quy hoạch không gian mang tính tích hợp, liên ngành và được lập trên phạm vi lãnh thổ 3 cấp: quốc gia, vùng, tỉnh. Vì vậy, không còn khái niệm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội hoặc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay. Quy hoạch sử dụng đất được lập riêng ở cấp quốc gia, còn ở cấp vùng, cấp tỉnh và cấp huyện quy hoạch sử dụng đất được tích hợp vào quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy định của dự thảo Luật.
Về thời kỳ quy hoạch, có ý kiến cho rằng quy định thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 20 năm là chưa hợp lý, đối với quy hoạch quốc gia mà thời kỳ quy hoạch là 10 năm thì quá ngắn không ổn định cho phát triển lâu dài, do đó thời kỳ quy hoạch cần thống nhất cho từng cấp quy hoạch và mỗi cấp quy hoạch có thời kỳ liền kề nhau, hơn kém nhau 5 năm là hợp lý.
Quá nhiều cảng biển thời gian qua cũng do việc quy hoạch chồng chéo, phân tán, thiếu sự liên kết vùng (Ảnh minh họa: KT)
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng đang có thời kỳ là 10 năm. Quy hoạch là việc cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc quy định thời kỳ quy hoạch 10 năm cùng với thời kỳ của Chiến lược để đảm bảo sự thống nhất giữa chiến lược và quy hoạch.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng điều chỉnh tầm nhìn của các quy hoạch dài hơn, cụ thể tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm để đảm bảo tính kế thừa, ổn định lâu dài của quy hoạch.
Tiền đâu làm quy hoạch?
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch, đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín (đoàn Đắc Nông) cho rằng, hiện còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn trong công tác quy hoạch. Ông tín kỳ vọng Luật Quy hoạch được thông qua sẽ giúp việc ngành, lĩnh vực được tích hợp, tập trung thẩm quyền, sẽ chấm dứt xung đột liên ngành, lãng phí nguồn lực.
Về chi phí cho hoạt động quy hoạch, dự thảo Luật nêu rõ: Chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Chi phí giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
ĐBQH Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông)
Tuy nhiên, ông Võ Đình Tín nêu quan điểm: Không nên sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời đề nghị sử dụng nguồn vốn từ sự nghiệp kinh tế như hiện nay.
Ông Tín cũng nhấn mạnh, cần mạnh tay xử lý vi phạm, đề nghị bổ sung xử lý các cá nhân, đơn vị gây ra quy hoạch treo, quy hoạch không phù hợp với thực tế.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN