Để báo chí phát triển bài bản, chuyên nghiệp, trở thành dòng thông tin chủ lưu tin cậy nhất

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã dành thời gian trả lời các phóng viên thông tấn, báo chí về những thách thức của báo chí trong thời đại số; giải pháp để báo chí giữ vững vị trí, vai trò trước sức ép của mạng xã hội; thực hiện tốt quy hoạch để báo chí có thể phát triển bài bản, chuyên nghiệp hơn.
 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Báo chí phải vượt trội mạng xã hội về độ tin cậy, chính xác

Có ý kiến cho rằng hiện nay có sự cạnh tranh giữa các loại hình báo chí khác nhau; giữa loại hình báo chí truyền thống với hiện đại. Ông có nhận xét gì về ý kiến này?

Báo chí ở nước ta hiện nay có 4 loại hình cơ bản: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Từng loại hình báo chí, từng cơ quan báo chí bao giờ cũng muốn mình có nhiều độc giả, khán giả, thính giả nhưng việc cạnh tranh trong hệ thống báo chí được thực hiện trên cơ sở từng cơ quan báo chí phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, phục vụ đúng bạn đọc của mình.

Theo tinh thần như vậy, tôi thấy đó là một cuộc thi đua đúng hơn là một cuộc cạnh tranh. Bởi, thậm chí hiện nay, nhiều cơ quan báo chí còn hỗ trợ, phối hợp với nhau để cùng phát triển. Đó là tinh thần hợp tác, đoàn kết để cùng phát triển theo tinh thần win - win, nghĩa là tất cả cùng thắng. Đây là nói về tổng thể, còn nói một cách cụ thể thì dù muốn hay không vẫn đang có một sự cạnh tranh rõ ràng, tự nhiên giữa báo điện tử - đang phát triển mạnh với báo in - đang giảm sút nghiêm trọng.

Báo điện tử ngày nay đang dần dần thay thế báo in, bởi mỗi người đều có thể tiếp cận được thông tin từ máy tính, điện thoại di động thay vì cầm báo in để đọc, vì vậy, báo điện tử đang gây áp lực mạnh đối với báo in. Thậm chí, báo điện tử hiện cũng gây cả áp lực đối với cả báo phát thanh và truyền hình bởi trên báo điện tử có cả phát thanh, truyền hình, thậm chí phát triển cả đa phương tiện. Nhiều báo điện tử áp dụng cả loại hình báo chí mới, phát huy hiệu quả rất tốt. 

Tuy nhiên, dù có sự cạnh tranh, vượt trội của báo điện tử, tôi vẫn tin rằng trong thực tiễn hiện nay báo in vẫn cần thiết. Nhiều tờ báo chính trị lớn của nước ta hiện nay như: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tiền Phong, Thanh niên. Tuổi trẻ... đang có số lượng phát hành tốt. Tuy có sự giảm sút số lượng phát hành nhưng vẫn được duy trì. Đồng thời, dù báo điện tử có thực hiện các loại hình phát thanh, truyền hình nhưng các đài truyền hình, đài phát thành vẫn thể hiện được sức mạnh của mình. Với những phương tiện chủ lực, từng loại hình báo chí vẫn phát huy được vai trò và hiệu quả vô cùng to lớn.

Theo ông, trong thời đại công nghệ số, người làm báo sẽ gặp những áp lực gì khác so với trước đây?

Người làm báo hiện nay gặp áp lực từ mạng xã hội là lớn nhất vì mạng xã hội đang đua tranh với báo chí trong việc đưa thông tin ra xã hội. Vì vậy, báo chí cần tiếp tục đổi mới về phương thức nghề nghiệp, cải tiến mạnh mẽ hơn nữa, tận dụng những lợi thế về công nghệ thông tin. Những cơ hội công nghệ thông tin mang lại rất nhiều lợi ích cho tất cả các hoạt động của xã hội, trong đó có báo chí, vì vậy, báo chí phải hơn ai hết tiếp cận được những thành tựu về công nghệ thông tin để áp dụng cho sự phát triển.

Nhà báo không chỉ sử dụng cây bút mà còn sử dụng nhiều phương tiện khác để thực hiện truyền thông. Các cơ quan báo chí phải xây dựng được tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện để trong môi trường làm việc ngày càng hiện đại, báo chí vươn tới những khả năng có thể tích hợp được các nguồn thông tin một cách hữu hiệu nhất. Và quan trọng nhất là báo chí phải vượt trội được mạng xã hội về độ tin cậy, sự chính xác trong việc đưa tin. 

Một thách thức với báo chí hiện nay nữa là việc bảo đảm nguồn thu. Bởi một thị phần rất quan trọng của quảng cáo hiện nay đang chuyển dần từ các cơ quan báo chí sang các nền tảng xuyên biên giới (60-70%). Các cơ quan báo chí chỉ còn 30% thị phần chung nhau dẫn dến giảm sút nguồn thu. Báo chí đang đứng trước những thách thức lớn về sút giảm lượng báo in và giảm nguồn thu từ quảng cáo.

Trước sự cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội, theo ông xu hướng báo chí cách mạng việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới? Xu hướng đó đặt ra cho các nhà báo và cơ quan báo chí những vấn đề gì, thưa ông?

Tôi nghĩ sẽ phải xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại để người làm báo có thể tiếp tục hành nghề theo phương châm khách quan, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Muốn làm được điều đó, từng nhà báo phải vươn lên, từng cơ quan báo chí phải xây dựng lại hệ thống để trở nên chuyên nghiệp hơn, hiệu năng hơn. Đó là con đường không thể khác đối với từng nhà báo, từng cơ quan báo chí.

Trước hết, mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải nhận thức được những thách thức trong thời đại truyền thông kỹ thuật số để chuẩn bị một tâm thế cần thiết từ đó thấy được nhu cầu phải đổi mới, phải cải tiến, nâng cao chất lượng của các ấn phẩm của các sản phẩm báo chí. Có như thế, báo chí mới có thể tồn tại. Thứ hai là nhu cầu phải đào tạo và đào tạo là các nhà báo để có thể tác nghiệp trong môi trường số hiện nay. Thứ ba, các cơ quan báo chí không thể hoạt động chỉ với những phương tiện truyền thống như trước đây, cần phải đổi mới về công nghệ, đổi mới về thiết bị cơ sở vật chất theo hướng ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp hơn.

Theo ông thì mạng xã hội có thể dần thay thế được báo chí trong tương lai hay không?

Mạng xã hội hiện là một nhu cầu lớn của đời sống xã hội. Mạng xã hội có xây đắp nhưng có tàn phá; có những tiện ích rất lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với báo chí. Nhưng chúng ta không thể sống mà lại không có mạng xã hội, vì vậy, báo chí không thể đối lập với mạng xã hội; báo chí phải tương tác với mạng xã hội vì mạng xã hội là một môi trường truyền thông có thông tin đa dạng, phong phú nhưng cũng rất hỗn tạp.

Báo chí có thể chắt lọc nhiều thông tin bổ ích từ trên mạng xã hội nhưng thông tin phải được kiểm chứng. Báo chí phải là câu trả lời cho những vấn đề mà mạng xã hội nêu lên. Điều này đòi hỏi tính trách nhiệm cao của các nhà báo, của các cơ quan báo chí. Mạng xã hội càng phát triển, vai trò của báo chí càng  cần được khẳng định, nâng cao. Đây chính là lúc cần sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí để trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất, tin cậy nhất trong xã hội.

Quy hoạch để báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng

Thực hiện Quy hoạch quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã có gần 20 tờ báo được chuyển đổi thành tạp chí. Ông có đánh giá gì về lộ trình chuyển đổi này?

Trước hết phải khẳng định quyết định Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ là hết sức cần thiết. Các cơ quan chức năng và giới báo chí cả nước phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc và có kết quả. Thực hiện quy hoạch để cho báo chí phát triển đúng hướng hơn, lành mạnh hơn, tránh được sự tránh chồng chéo, lãng phí và cũng góp phần ngăn chặn được những vi phạm của báo chí

Nhìn chung, về cơ bản, việc thực hiện quy hoạch đã theo đúng tiến độ, yêu cầu. Cụ thể, các cơ quan chức năng đã cấp giấy phép cho 18 tờ báo trước đây của các hội thành tạp chí. Qua theo dõi của tôi thời gian qua cho thấy các tờ báo chuyển thành tạp chí đang bắt đầu làm quen với điều kiện mới. Tất nhiên là vẫn còn những khó khăn và có nhiều vấn đề cần tiếp tục chấn chỉnh vì quy hoạch báo chí là một vấn đề lớn, khó và phức tạp, liên quan đến hệ thống cơ cấu tổ chức của các cơ quan báo chí của Việt Nam hiện nay. Nhưng điều quan trọng nhất là liên quan đến con người, bởi khi thực hiện quy hoạch sẽ có một số tờ báo bị sáp nhập, có những tờ báo chuyển thành tạp chí nhưng cũng có những tờ báo không còn nữa. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến một số nhà báo về việc làm, vấn đề đời sống.

Đến giờ này có thể nói về cơ bản đã giải quyết tương đối ổn thỏa về mặt cơ cấu tổ chức, nghĩa là cơ quan nào phải chuyển đổi đã chuyển đổi, cơ quan nào phải sáp nhập đã sáp nhập. Nhưng không phải như vậy là xong, bởi quy hoạch báo chí là cả một quá trình và phải giải quyết vấn đề nảy sinh trong quá trình ấy. Một số tờ báo chuyển đổi từ tờ báo xuống tạp chí không phải cứ mang tên tạp chí là xong, mà cơ cấu nội dung, cách thức thực hiện cần được quan tâm, tránh tình trạng "bình mới rượu cũ", tức là mang tên là tạp chí nhưng cách thức làm báo vẫn như cũ, vẫn là đưa tin đánh đấm, dọa dẫm... không đúng với cách làm tạp chí. Làm gì để ngăn chặn được việc thực hiện không nghiêm quy hoạch là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, trách nhiệm của các cơ quan báo chí và đồng thời có sự tham gia của người làm báo. Tất cả đều phải thống nhất một nhận thức từ đó mới có thể có được những biện pháp cần thiết và hữu hiệu. 

Trước làn sóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và làn sóng của thời đại công nghệ số hiện nay, đặc biệt dưới tác động của vấn đề quy hoạch, báo chí Việt Nam đang trải qua một cuộc chuyển đổi về cách thức, phương thức, phong cách làm nghề... Những ai ở trong diện quy hoạch báo chí cần nhận thức một cách đầy đủ việc phải thực hiện quy hoạch và thực hiện một cách tự giác thì việc quy hoạch, chuyển đổi này mới thực chất. Nếu không nó sẽ là một sự chống chế, đối phó và khó có thể tránh được tình trạng "bình mới rượu cũ". Tôi cảm thấy đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của "bình mới rượu cũ", tới đây các cơ quan quản lý, các cơ quan báo chí chắc chắn phải có sự chấn chỉnh để đảm bảo cho việc chuyển đổi theo quy hoạch đó diễn ra đúng hướng và thực chất. 

Trên thế giới có rất nhiều tờ báo khi chuyển thành tạp chí đã rất thành công khi đưa các tin mang tính chuyên đề, chuyên sâu. Ông có lời khuyên nào cho các tạp chí chuyển đổi để có hướng đi đúng đắn?

Tôi nghĩ rằng thời gian khá dài báo chí đã chạy đua trở thành người số 1 trong việc đưa tin nhưng trong thời đại truyền thông kỹ thuật số này trở thành người đưa tin số 1 không phải là quan trọng nhất đối với báo chí, bởi cái đó mạng xã hội có thể làm. Điều báo chí cần đó là đưa tin chính xác, tin cậy, thuyết phục. Độ tin cậy, sức thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

Báo chí khó có thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin nhưng chắc chắn sẽ vượt trội mạng xã hội về tính trách nhiệm, sự chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo.Tôi tin tưởng vào tương lai của báo chí trong việc đảm bảo các thông tin kịp thời, chính xác, có sức thuyết phục đối với xã hội và tính xây dựng cao. Đó là tiêu chí của làm báo ngày nay vì thế thay vì chạy đua để trở thành người đưa tin số 1, báo chí cần có những bài chuyên sâu, bài nghiên cứu, bài phân tích, kiến giải để người đọc thấy được sức thuyết phục, độ tin cậy của báo chí. 

Thực hiện quy hoạch báo chí sẽ có tác động không nhỏ đến một bộ phận người làm báo về tâm lý, đời sống, việc làm. Nhân dịp 21/6, ông có chia sẻ gì đối với họ?

Với trách nhiệm là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của báo chí cả nước, Hội nhà báo Việt Nam coi việc bảo vệ quyền làm nghề và các quyền lợi chính đáng của hội viên là trách nhiệm thiêng liêng của mình. Đối với quy hoạch báo chí, từ thời gian bàn thảo đến khi có quyết định của Chính phủ và đi vào thực hiện, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề việc làm, đời sống của một số hội viên chịu tác động không mong muốn của quy hoạch.

Hội nhà báo Việt Nam luôn mong muốn các cấp có trách nhiệm, các cơ quan báo chí thuộc diện chuyển đổi phải đặc biệt quan tâm đến lợi ích chính đáng của các nhà báo, giải quyết thỏa đáng công ăn việc làm, đảm bảo được đời sống của người làm báo không bị tác động theo hướng là sút giảm. Làm sao để việc chuyển đổi có bước đi phù hợp và có sự quan tâm đúng mức đến cuộc sống của những người làm báo.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Phúc Hằng (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều