|
Ảnh minh họa: Reuters |
Chủ động đàm phán mua vaccine với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu
Trong công văn số 21/Ban IV, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban IV Trương Gia Bình bày tỏ, rất nhiều Hiệp hội doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài tại Việt Nam cảm ơn về tinh thần chỉ đạo chống dịch quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những ngày qua, đặc biệt trước quyết định rất nhanh, mạnh mẽ của Thủ tướng khi khẩn trương chỉ đạo tiêm phòng COVID-19 cho 300.000 người lao động tại các khu công nghiệp trọng điểm Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tuy nhiên, theo Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, đợt bùng phát dịch thứ tư này tại Việt Nam vẫn gây ảnh hưởng, thiệt hại hết sức nặng nề cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo tính toán nhanh từ các Hiệp hội ngành hàng, sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc, cụ thể là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc sẽ sụt giảm tầm 50% do ảnh hưởng của dịch bệnh... kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng. Các doanh nghiệp du lịch, hàng không tiếp tục bị “đóng băng” gần như mọi hoạt động, kéo theo hơn 2 triệu lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh lượng công việc.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai nhanh chóng vaccine phòng COVID-19 cho người lao động các khu công nghiệp, người lao động thuộc các doanh nghiệp bên cạnh các đối tượng ưu tiên khác là lựa chọn hàng đầu để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, xã hội và tạo dựng cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh. Hàng loạt Hiệp hội đã gửi kiến nghị trực tiếp tới Thủ tướng, bày tỏ nguyện vọng được ưu tiên dành nguồn vaccine cho người lao động trong các doanh nghiệp thành viên và cam kết chung tay cùng Chính phủ về ngân sách cho tiêm phòng. Song, Việt Nam hiện đứng trước hai vấn đề khó khăn: thứ nhất là lượng vaccine có thể đàm phán mua và nhận trong năm 2021 chưa thể đáp ứng tiêm diện rộng; thứ hai, lực lượng phụ trách việc tiêm vaccine và theo dõi hiệu quả tiêm vaccine còn mỏng, chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu tiêm cùng lúc cho hàng trăm nghìn, hàng triệu người lao động ở các khu công nghiệp/doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, Ban IV đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được tham gia tổ chức tiêm phòng COVID-19 cho nhân viên theo đúng hướng dẫn và các yêu cầu an toàn của Bộ Y tế, đồng thời cho phép các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được chủ động đàm phán mua vaccine với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu, căn cứ trên danh mục vaccine Bộ Y tế chấp nhận. Mọi vấn đề liên quan tới chuyên môn như thủ tục nhập khẩu, bảo quản vaccine, tiến hành tiêm, đánh giá trước/sau khi tiêm, doanh nghiệp, tổ chức tư nhân sẽ ủy quyền cho các đơn vị hoặc cơ sở y tế được Bộ Y tế công nhận đủ năng lực.
Ban IV cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ mở rộng lực lượng tiêm phòng vaccine để đáp ứng yêu cầu tiêm hàng loạt, diện rộng bằng cách huy động không chỉ các cơ sở tiêm chủng mà có thể xét tới các bệnh viện, trung tâm y tế đủ năng lực chuyên môn theo quy định từ Bộ Y tế.
Tiếp cận vaccine nhanh nhất, rộng nhất
Thông tin từ Liên hợp quốc cho thấy, đến ngày 27/5, có 283 loại vaccine đang triển khai nghiên cứu, 14 loại vaccine đã được các quốc gia cấp phép, phê duyệt và sử dụng khẩn cấp, 6 loại được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp, 3 vaccine đang chờ phê duyệt. Hiện nay, nhu cầu vaccine của các nước rất lớn, nguồn cung khan hiếm. Tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các nước phát triển đặt mua số lượng rất cao.
Ở trong nước, Bộ Chính trị đã có chủ trương về nhập khẩu, sử dụng, sản xuất, nghiên cứu đối với vaccine, tinh thần là để người dân tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất, hướng đến đạt miễn dịch cộng đồng. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận các nguồn vaccine phòng COVID-19. Đến nay, số liều vaccine đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021, đảm bảo tiêm được cho hơn 70% dân số (người từ 18 tuổi trở lên). Như vậy vẫn còn thiếu khoảng 40 triệu liều, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán, thúc đẩy các cơ chế khác nhau để mua đủ 150 triệu liều vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca và là 1 trong 92 quốc gia được COVAX facility hỗ trợ 38,9 triệu liều vaccine.
Vừa qua, Bộ Y tế đã đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều vaccine; đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí và tiếp tục đàm phán mua thêm 20 triệu liều vaccine Pfizer. Ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục đàm phán trực tuyến với nhà cung ứng vaccine phòng COVID-19 Moderna để cùng bàn thảo làm sao sớm có vaccine cung ứng cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc trực tiếp với đại diện Đại sứ quán và Hiệp hội, công ty có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam để thảo luận về vấn đề cung ứng vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam, việc tiêm chủng vaccine cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp tại khu vực có doanh nghiệp FDI.
Ngoài nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine, từ tháng 4/2020, Việt Nam đã tiến hành phân lập virus, mở đường cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2. Đến nay, có 4 ứng cử viên đang tiến hành nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19, trong đó hai loại vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3, một loại đang thử nghiệm giai đoạn 1. Đồng thời, Việt Nam cũng có kế hoạch mua bản quyền vaccine, tiếp cận chuyển giao vaccine, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để có vaccine sớm nhất và tự chủ vaccine sử dụng trong nước.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 29/5, Việt Nam có tổng cộng 5.354 ca mắc COVID-19 ghi nhận trong nước và 1.502 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 3.784 ca. Ổ dịch lớn nhất vẫn là Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đặc điểm dịch tễ của đợt dịch này có một số vấn đề khác, như đa ổ dịch, đa hình thái và đa chủng. Cùng một thời điểm xuất hiện nhiều ổ dịch khác nhau tại các địa phương (đa ổ dịch). Có hình thái nổi trội lây nhiễm trong khu công nghiệp, sau đó lây nhiễm từ khu công nghiệp vào khu dân cư và ngược lại (đa hình thái). Hiện có 2 chủng phổ biến là chủng của Ấn Độ và chủng của Anh, trong đó chủng của Ấn Độ phổ biến nhất, trong khi chủng của Anh chỉ có ở Đà Nẵng và một số địa phương (đa chủng).
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Y tế, Việt Nam đã phát hiện ra một chủng mới có sự lai tạo giữa chủng của Ấn Độ và Anh. “Nghĩa là trên chủng Ấn Độ xuất hiện đột biến gen của Anh, cái này rất nguy hiểm, tới đây chúng tôi sẽ công bố trên bản đồ gen của thế giới”, ông Long cho hay.
Theo Chu Thanh Vân (TTXVN)