Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực của chính quyền khi không tổ chức HĐND cấp quận, cấp phường được bàn thảo kỹ tại nghị trường.
Mô hình mới phải “đáng sống” hơn
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (đoàn Bến Tre) bày tỏ quan điểm tán thành ban hành nghị quyết và nhấn mạnh nếu đã là đặc thù thì phải thật rõ ràng, mạnh mẽ hơn đối với chính quyền đô thị của Đà Nẵng hiện nay.
Theo đó, chỉ tổ chức HĐND thành phố, không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Tuy nhiên, HĐND phải đạt đến 90% đại biểu là chuyên trách, chỉ cần một số lãnh đạo kiêm nhiệm, như vậy mới thực sự có HĐND sát với dân, đủ quyền lực và thường xuyên làm việc của cơ quan dân cử.
“Phải làm sao có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, tạo cho Chủ tịch thành phố có nhiều quyền hạn nhưng phải kiểm soát được. Chúng ta trong hệ thống chính trị có Đảng bộ rồi đến HĐND giám sát, tuy nhiên để tạo điều kiện, có sức mạnh thì tôi cho là phải bầu trực tiếp” – ông Thắng nêu ý kiến.
Đại biểu Vũ Trọng Kim phát biểu trên Hội trường. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) cho rằng, HĐND bây giờ khối lượng công việc sẽ nhiều hơn và như thế trực tiếp với người dân nhiều hơn. Điều đó đòi hỏi số lượng đại biểu phù hợp nhưng chất lượng phải nâng lên rõ rệt để làm sao thực hiện vai trò giám sát của HĐND tốt hơn trước.
“Ra đời một mô hình mới thì người dân phải cảm nhận được ở mô hình này dân chủ hơn, họ thấy sáng kiến của họ được tiếp thu, thấy những vấn đề về quyền lợi, đời sống mọi mặt được tăng lên. Đã là thành phố đáng sống thì bây giờ phải đáng sống hơn thì mới gọi là chính quyền nhân dân theo mô hình mới” - ông Vũ Trọng Kim nói.
Chính vì vậy, theo ông Vũ Trọng Kim, các ban của HĐND thành phố phải chất lượng, chuyên nghiệp và sâu sát với dân nhiều hơn khi mà không còn HĐND quận, phường. Cùng với đó, bộ máy cần tinh gọn, chuyên nghiệp, từ HĐND đến UBND.
“Tôi đề xuất việc bầu trực tiếp Chủ tịch UBND, phổ thông đầu phiếu để người dân lựa chọn được người đứng đầu chính quyền ở địa phương mình. Tôi nghĩ rằng cũng phải đặt ra trong phạm vi thí điểm sao cho có hiệu quả về vấn đề này” - ông Vũ Trọng Kim nêu ý kiến.
Quyền lớn hơn thì tiêu chuẩn cán bộ phải cao hơn
Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đề nghị rà soát bổ sung thêm về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường trong công tác nhân sự, nhất là trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với đội ngũ công chức không giữ chức vụ lãnh đạo vì nghị quyết chưa nêu rõ.
Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng cần theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh cho chính quyền thành phố. Về nguyên lý khi trao thẩm quyền nhiều cho chính quyền địa phương, chính quyền cấp dưới thì cơ chế kiểm tra, giám sát của cấp trên cũng phải có những thay đổi tương ứng để bảo đảm cho chính quyền cấp dưới hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phòng ngừa tốt hơn nguy cơ vi phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: Quốc hội
Mặt khác, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng cần có phương án cụ thể trong việc kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý lãnh đạo.
“Nguyên tắc cán bộ được trao thẩm quyền lớn hơn, trách nhiệm lớn hơn, chế độ đãi ngộ tốt hơn các địa phương khác thì tiêu chuẩn về trình độ, năng lực quản lý, đạo đức công vụ cũng phải có những yêu cầu cao hơn và chặt chẽ hơn” – đại biểu đoàn Lâm Đồng nhấn mạnh.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cũng đánh giá mô hình chính quyền như dự thảo là phù hợp và khả thi. Bởi lẽ, Đà Nẵng có quy mô về tự nhiên, dân số, đơn vị hành chính nhỏ hơn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mà 2 thành phố này đã và đang tổ chức thực hiện các cơ chế đặc thù. Mặt khác, Đà Nẵng đã làm thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện nên đã có kinh nghiệm về mô hình này.
Mô hình đã tách bạch giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, phù hợp với tinh thần quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt quy định cơ chế làm việc theo chế độ thủ trưởng nhằm đề cao trách nhiệm, xử lý công việc nhanh chóng, kịp thời, giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính, phát huy tối đa năng lực, tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm sau khi không tổ chức HĐND quận và phường, đó là việc sắp xếp công tác tổ chức các chính sách về con người, đặc biệt phải chú trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực của HĐND thành phố 3 trong 1, nhất là trong giám sát quyền lực.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN