Nhiều cán bộ, đảng viên, trí thức và đông đảo các tầng lớp nhân dân nhận xét hội nghị đã bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước. Đặc biệt, hội nghị đã tiếp tục nêu cao tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị…
Yêu cầu đặt ra nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của đất nước
|
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Quan tâm, theo dõi Hội nghị lần thứ 6, nhất là bài phát biểu khai mạc và bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung tá Nguyễn Văn Niêm (sinh năm 1943, 55 tuổi Đảng, ở Khương Trung, Đống Đa, Hà Nội) nguyên Giám đốc Xí nghiệp Dược Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng, rất tâm đắc khi Hội nghị lần này nhất trí cao tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó có đổi mới phương thức lãnh đạo với hệ thống chính trị. “Đây cũng là yêu cầu đặt ra đối với Đảng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển từng giai đoạn của đất nước”.
Theo ý kiến của Trung tá Nguyễn Văn Niêm, phương thức lãnh đạo của Đảng ta không phải ''nhất thành bất biến'' mà thay đổi cùng với sự thay đổi của nhiệm vụ, của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn mà Đảng lãnh đạo. Nếu phương thức lãnh đạo đúng, hoạt động của Đảng sẽ được thể hiện hiệu quả trong thực tiễn, được nhân dân thừa nhận. Uy tín chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng từ đó được nâng lên.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là rất to lớn, nặng nề và có nhiều nội dung mới. Thế nên, Đảng không thể sử dụng nguyên phương thức lãnh đạo của các giai đoạn cách mạng trước để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đó trong hiện nay, Trung tá Nguyễn Văn Niêm bày tỏ.
“Để thực sự đổi mới hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, chúng ta cần coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh, đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói, phải xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng ngay từ khi lựa chọn, bố trí cán bộ. Việc hàng loạt đảng viên, cán bộ cấp cao, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có hành vi vi phạm bị xử lý, thậm chí có tới 3 Ủy viên Trung ương khoá XIII dính líu đến vụ án Việt Á bị kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam chờ ngày xét xử chính là lời cảnh báo nghiêm khắc “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, Trung tá Nguyễn Văn Niêm bộc bạch.
Đồng tình với chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, đảng viên Nguyễn Duy Phương, Tiến sỹ, Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Lao động xã hội (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: Việc đổi mới lần này nhằm thay đổi từng phần hoặc toàn bộ một nội dung nào đó của phương thức lãnh đạo đối với hoạt động của hệ thống chính trị hiện có theo hướng tích cực, tiến bộ. Việc đổi mới đó bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đem lại kết quả cao hơn, nhằm thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của Đảng, nhiệm vụ của cách mạng.
Theo nhận xét của Tiến sỹ Nguyễn Duy Phương, những kinh nghiệm tốt, những bài học hay của thời kỳ trước, chắc chắn sẽ được Đảng ta tiếp tục kế thừa, phát triển. Những gì sai phải loại bỏ, những gì không còn phù hợp, Đảng ta sẽ vượt qua. Đó cũng là cốt lõi tinh thần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhằm làm hệ thống trong sạch, vững mạnh.
Hội nghị Trung ương lần này đã xem xét, quyết định cho thôi chức đối với 3 Ủy viên Trung ương Khoá XIII là Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang. Đồng thời quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương do các vi phạm nghiêm trọng của ông này. Đây chính là sự tiếp nối mạnh mẽ, chủ động, kiên quyết công cuộc đấu tranh và xử lý nghiêm suy thoái, tiêu cực mà Đảng ta tiến hành vừa qua. Hàng chục cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị xử lý kỷ luật. Cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ với 7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Những con số này là minh chứng cho quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến với "giặc nội xâm" để giữ gìn sự trong sạch của Đảng và hệ thống chính trị, Tiến sỹ Nguyễn Duy Phương tin tưởng nói.
Nói phải đi đôi với làm
|
Các đại biểu dự bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Chia sẻ về quan điểm “Để tiếp tục đổi mới thành công phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại ATP (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) nêu ý kiến cá nhân: Nhân dân rất quan tâm, chú ý và đặt nhiều kỳ vọng vào quyết tâm, tinh thần đổi mới của Đảng. Có kết quả tốt sẽ củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nhưng chủ trương, Nghị quyết đạt kết quả hay không, thì không chỉ bằng lời nói hay vài trang của Nghị quyết, mà phải bằng những hành động thực sự, thiết thực nhất.
“Đổi mới phương thức phải lấy hiệu quả trong thực tiễn làm thước đo. Để đổi mới thì đầu tiên phải thực hiện nói đi đôi với làm. Nếu tổ chức, cơ quan, cá nhân nói không đi đôi với làm thì nên kỷ luật, có hình thức sàng lọc. Cùng với việc làm chặt chẽ công tác cán bộ thì phải đánh giá thực chất kết quả của cán bộ và đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Quan trọng nữa là minh bạch hóa tài sản của cán bộ, công chức. Tất cả phải làm nghiêm theo tinh thần ai có công thì được thưởng, ai có tội thì phải kỷ luật”, bà Nguyễn Thị Hương đóng góp ý kiến.
Bày tỏ tâm đắc khi Hội nghị Trung ương 6 thống nhất nhận định: “…nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và tính thích ứng của nền kinh tế”, trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ thêm: Ở nước ta, các doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần cải thiện việc làm, duy trì ổn định xã hội cũng như có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hai năm qua, dịch COVID-19 đã khiến cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phải chịu những tác động tiêu cực chưa từng có. So với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có đủ nguồn lực, nhất là về tài chính. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất mong chờ những chính sách phù hợp, mạnh mẽ của Nhà nước trong hỗ trợ nâng cao năng lực, khả năng chống chịu để giảm thiểu những thiệt hại do tác động tiêu cực của đại dịch gây ra, cũng như giúp cộng đồng doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh “hậu COVID-19”.
“Hậu quả từ đại dịch vẫn nghiêm trọng. Vì vậy, trong ngắn hạn, chúng tôi rất trông đợi Đảng, Nhà nước có thêm các chính sách trợ giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, doanh nghiệp vừa và nhỏ trông đợi Chính phủ có các chính sách hỗ trợ tài chính khác nhau, như phân bổ các khoản vay trả góp và miễn thuế để ngăn chặn sự suy giảm thanh khoản, giảm thiểu thiệt hại về doanh thu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dần dần khi các biện pháp hạn chế được giảm bớt, các chính sách sẽ tập trung vào giai đoạn đổi mới và tăng trưởng cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ còn tồn tại. Bản thân chúng tôi cũng cần phát huy khả năng sáng tạo và linh hoạt để thích ứng với hoàn cảnh mới, nhạy bén trong việc tận dụng các cơ hội thị trường; tư duy dám chấp nhận rủi ro, huy động tối đa nguồn lực để có thể đáp ứng yêu cầu của các đối tác”, bà Nguyễn Thị Hương bày tỏ.
TTXVN