Đồng chí Trần Tuấn Anh làm việc tại Đồng Nai về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW

Ngày 21/12, Đoàn công tác do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW làm trưởng đoàn, đã làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai về 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, nắm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh.
 Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW phát biểu. Ảnh: TTXVN phát
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, từ nguồn lực đất đai, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn, hiện đại và đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi diện mạo đô thị. Trong 7 năm qua, Đồng Nai đã giao, cho thuê đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 708 trường hợp với diện tích gần 6.000 ha. Việc giao đất, cho thuê đất tại Đồng Nai trong thời gian qua được thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thông qua việc chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư. Đến nay, tỉnh chưa thực hiện giao đất, cho thuê đất trong trường hợp đầu thầu dự án có sử dụng đất.

Tính đến cuối năm 2020, Đồng Nai đã đấu giá thành công 57 khu đất và số tiền trúng đấu giá hơn 10,3 nghìn tỷ đồng được dùng đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Về bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn tình trạng khiếu nại của người dân chủ yếu là do giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường.

 Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu. Ảnh: TTXVN phát
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, tỉnh có nhiều vùng đất lúa sản xuất không hiệu quả, chuyển sang đất công nghiệp sẽ hiệu quả gấp nhiều lần nhưng lại vướng về chỉ tiêu quy hoạch không thể chuyển đổi. Do đó, tỉnh đề xuất Trung ương cho Đồng Nai giữ lại những vùng quy hoạch bảo vệ đất lúa nghiêm ngặt, còn lại cho chuyển đổi để phát triển kinh tế. Đồng thời đề nghị Trung ương bỏ Bảng giá đất, tất cả giao dịch bất động sản nên đưa qua sàn giao dịch, có như vậy mới hạn chế phân lô, bán nền.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, trong quản lý sử dụng đất đai có nhiều khó khăn, nhưng tỉnh sẽ cố gắng thực hiện đúng theo quy định pháp luật về đất đai. Đồng thời, tỉnh sẽ khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai để phát triển kinh tế - xã hội.

Đoàn công tác ghi nhận nỗ lực và những kết quả mà Đồng Nai đạt được trong 10 năm qua và ghi nhận những nội dung đề xuất, đóng góp của tỉnh vào dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, dù việc quản lý, sử dụng đất của tỉnh còn gặp một số vướng mắc, khó khăn, nhưng Đồng Nai là địa phương thực hiện khá tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, quản lý đo đạc bản đồ địa chính, kịp thời xử lý các vi phạm về đất đai. Để quản lý đất đai hiệu quả hơn, tỉnh nhanh chóng hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW nhận định, những kinh nghiệm trong quản lý đất đai của Đồng Nai là cơ sở để Đoàn tiếp thu, tổng hợp ý kiến, trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị cho hội nghị tổng kết theo đúng kế hoạch đã đề ra. Qua đó, đề xuất Trung ương quyết định những chủ trương, định hướng, giải pháp trong thời kỳ mới, với mục tiêu đảm bảo nguồn tài nguyên đất đai được sử dụng một cách hiệu quả, bền vững và thực sự là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Việc tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW là nhằm làm rõ những vấn đề quan trọng trong thực hiện các quy định pháp luật về đất đai, những vấn đề phát sinh mới để từ đó có những chỉ đạo thực hiện sử dụng đất có hiệu quả, tránh lãng phí, đặc biệt là trong công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, quản lý đất công, đất của doanh nghiệp nhà nước trong cổ phần hóa.

Theo Nguyễn Văn Việt (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều