Toàn cảnh buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc còn có ông Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh.
Ông Đàm Xuân Lan, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang cho biết, thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực. Các nhiệm vụ KH&CN đã được định hướng cụ thể theo Đề án được phê duyệt với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Tính từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện 66 đề tài, dự án tập trung vào nghiên cứu các giải pháp về mô hình sản xuất hàng hóa, cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình xử lý rác thải, mô hình phát triển du lịch bền vững trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; về ứng dụng KH&CN trong giảng dạy, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các huyện, thành phố đã xây dựng nhiều mô hình tạo bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp như: Mô hình sản xuất giống khoai tây siêu nguyên chủng; phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với bò; sản xuất ngô hàng hóa gắn liền với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; mô hình trồng hoa hồng huyện Đồng Văn; mô hình trồng rau trái vụ áp dụng tưới tiêu tiết kiệm tại xã Quyết Tiến…
“Các nhiệm vụ KH&CN hàng năm được Hội đồng khoa học tỉnh định hướng bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phân bổ kinh phí phù hợp với nhu cầu thực tế của hoạt động KH&CN theo các nhóm ngành, từng bước khắc phục tình trạng dàn trải, chú trọng ưu tiên ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm nghiệp, bảo vệ rừng và phát triển rừng; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên khoáng sản...”, ông Đàm Xuân Lan cho biết.
Trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo Sở K&CN cho biết, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư cho khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tập trung nguồn lực cho các nội dung KH&CN có ý nghĩa tác động trực tiếp tới các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác sâu rộng với các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước; tăng cường nguồn nhân lực KH&CN; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trong việc quản lý và thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, tỉnh đã tập trung đầu tư vào KH&CN và xác định con đường đưa tỉnh phát triển nhanh nhất là con đường phát triển khoa học công nghệ. Tỉnh đã có đột phá trong ứng dụng KH&CN vào cải cách cuộc sống và ứng dụng KH&CN vào cải cách hành chính.
Ông Nguyễn Minh Tiến cũng cho biết thêm, tỉnh Hà Giang đã liên kết, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Kinh tế - Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc để từ đó triển khai chương trình khoa học công nghệ và điều phối nhiệm vụ thực hiện KHCN để tránh chồng chéo trong thực hiện.
Từ thực tiễn các dự án mang tính tương đồng tại các tỉnh, ông Tiến đề nghị cần có sự liên thông hệ thống KH&CN giữa các tỉnh, từ thành công của một tỉnh trong triển khai ứng dụng KH&CN, các tỉnh trong vùng sẽ đưa ứng dụng đó về triển khai, tránh tình trạng từ một dự án chung, các tỉnh đều tiến hành từng bước từ nghiên cứu, thử nghiệm rồi triển khai ứng dụng đó vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hà Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Hà Giang, mặc dù là một tỉnh khó khăn nhưng Hà Giang đã đưa KH&CN vào sản xuất để phát huy thế mạnh của tỉnh.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, từ khi có Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá XI) về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị quyết của Đảng đã đi vào thực tiễn, hợp lòng dân. Các ứng dụng KH&CN đã được đưa vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
“Hà Giang đã xác định được nguồn nhân lực là nhân tố quyết định để đưa ứng dụng KH&CN vào cuộc sống, đồng thời chủ động tăng cường phối hợp, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để từ đó các chuyên gia chủ động đến với Hà Giang để đưa ứng dụng khoa học vào thực tế tại địa phương”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang cần tiếp tục tập trung vào các đề tài nghiên cứu khoa học, ưu tiên việc bảo tồn các nguồn gen và các cây trồng có tính bản địa, phát triển các mô hình trồng rau, quả sạch tại địa phương. Bên cạnh đó cần tận dụng nguồn nhân lực của địa phương để giải quyết nhu cầu việc làm và tạo niềm tin trong nhân dân trong việc sử dụng các sản phẩm tại các trung tâm nhân giống cây trồng.
Đối với những nơi chưa tiếp cận được về KH&CN, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị phải đưa việc phát triển thành động lực, khâu đột phá trong sản xuất để người nông dân chủ động tiếp cận với KH&CN, tránh tình trạng thụ động.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh tin tưởng tỉnh Hà Giang sẽ thành công trong việc thực hiện 6 nhóm giải pháp đã đưa ra để KH&CN sẽ được ứng dụng rộng rãi trên toàn tỉnh, trở thành động lực phát triển kinh tế của địa phương.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cùng đoàn công tác đã đi khảo sát mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cùng đoàn công tác đi thăm mô hình ứng dụng KH&CN tại cơ sở sản xuất Tân Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đi thăm mô hình ươm giống tại Công ty Cổ phần Phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang.
Hương Diệp