|
Toàn cảnh buổi Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hôi thảo, TS. Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngoại giao khẳng định, chú trọng đối ngoại đa phương là chủ trương nhất quán của Việt Nam kể từ khi Đổi mới; đối ngoại đa phương Việt Nam đã đóng góp vào xây dựng môi trường ổn định, hòa bình, tận dụng ngoại lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong năm 2020, đối ngoại đa phương càng có vai trò quan trọng khi Việt Nam cùng lúc đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN.
|
TS. Phạm Lan Dung (bên phải), Phó Giám đốc phụ trách Học viện Ngoại giao, phát biểu tại Hội thảo. |
Để phục vụ cho trọng trách của ngành Ngoại giao trong giai đoạn mới, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về đối ngoại đa phương.
Trong bối cảnh đó, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với KAS xây dựng môn học Ngoại giao đa phương để đưa vào chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, mong muốn là môn học này không chỉ trở thành cốt lõi trong chương trình đào tạo Quan hệ Quốc tế của Học viện, mà còn được phổ biến tại nhiều trường đại học ở Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước trong tình hình mới, đó là nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị 24 của Ban Bí thư.
|
Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Dự Hội thảo, ông Peter Girke, Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam cho rằng, chương trình học về Ngoại giao đa phương này rất đặc biệt nên dù có quy mô nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhắc lại quá trình triển khai chương trình từ những ngày đầu, ông Peter Girke khẳng định sau giai đoạn thử nghiệm thành công, đã đến lúc HVNG đưa môn học vào giảng dạy trong thực tế.
Đặc biệt, ông Girke cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch ASEAN, môn học nói trên sẽ càng thiết thực hơn bởi quá trình giảng dạy sẽ được bổ sung những kinh nghiệm, tình huống thực tế phát sinh trong triển khai ngoại giao đa phương Việt Nam thời gian qua.
Cũng tại Hội thảo, các giảng viên, nhà quản lý, nhà nghiên cứu về công tác đối ngoại đã chia sẻ về quá trình xây dựng chương trình, giáo án của môn học Ngoại giao đa phương; quá trình triển khai chương trình thử nghiệm, mô phỏng các nội dung giảng dạy môn học, và nhiều nội dung khác liên quan...
|
Các đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. |
Đối ngoại đa phương đang ngày càng trở thành xu thế nổi bật trong quan hệ quốc tế hiện nay, và đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - kinh tế - đối ngoại của thế giới. Trong những năm qua, đối ngoại đa phương Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh đối ngoại Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại trong bối cảnh mới, nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng đa phương… là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Đối ngoại đa phương của Việt Nam năm 2020 với nhiệm vụ kép: Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN năm 2020. Với tầm quan trọng đó, Ngoại giao đa phương thậm chí còn đứng trước yêu cầu trở thành một môn học đối với những người học ngành Ngoại giao và Quan hệ quốc tế, góp phần cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đóng góp vào sự nghiệp đối ngoại đa phương của Việt Nam.
Đỗ Đông