|
Chủ trì Hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh
|
Chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội; ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
|
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh
|
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh
|
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, để tiếp tục hoàn thiện và có cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; đồng thời hoàn thiện báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về nội dung nêu trên được sâu sắc, chất lượng, hiệu quả. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội – cơ quan Thường trực Đoàn giám sát Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về triển khai thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm cao, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội nghị cùng tập trung thảo luận, trao đổi để hội nghị góp ý đạt hiệu quả thiết thực, góp phần bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
|
Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh
|
Tại Hội nghị ý kiến của các chuyên gia nhà khoa học đã tập trung làm rõ những vấn đề đang đặt ra đối với về SGK giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông 2018.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) kiến nghị, cần biên soạn một bộ SGK chung cho tất cả các môn học. Về phía Bộ GDĐT cần có công văn gửi đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề nghị các Hội khoa học biên soạn các sách tham khảo đúng chương trình phổ thông nhưng phong phú về nội dung để hỗ trợ tốt nhất cho các giáo viên trong nâng cao chất lượng giáo dục.
|
GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu. Ảnh: Kỳ Anh
|
“Việc bồi dưỡng giáo viên trong 1-2 tháng hè không có tác dụng. Sách đúng chương trình phổ thông, phong phú là cách hỗ trợ tốt nhất cho các giáo viên. Các Hội khoa học có nhiều giáo sư giỏi, không có lý do gì không giúp Bộ GDĐT xây dựng các bộ SGK đúng chương trình, phong phú để nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên” - GS Lân Dũng nêu ý kiến.
|
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam phát biểu. Ảnh: Kỳ Anh
|
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xã hội hóa SGK là việc làm đúng đắn, nhưng xã hội hóa đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cơ chế thị trường. Hiện nay cả người dạy và người học chưa được quyền lựa chọn SGK, không nên chỉ vì khó khăn trong khâu quản lý và tổ chức dạy học mà không chú ý tới những người trực tiếp sử dụng sách. Những kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước về triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông cần có sự nghiên cứu cẩn thận, điều tra xã hội học, có số liệu cụ thể, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước cần có thêm sự hỗ trợ để đảm bảo SGK cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.
"Xã hội hóa SGK không có nghĩa là Nhà nước rút bớt trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục mà cần phải quan tâm đầu tư hơn" - PGS.TS Vũ Trọng Rỹ kiến nghị.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam kiến nghị, Bộ GDĐT cần có sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng về tác động từ việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018 đối với chất lượng giáo dục, đào tạo. Đồng thời cần nghiên cứu phương pháp giảng dạy, có chiến lược cụ thể nhằm trang bị kiến thức bài bản cho giáo viên, chống bệnh thành tích trong thi cử, giảm áp lực thi cử cho học sinh. Đặc biệt, phải quan tâm đến chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo viên, đánh giá thông qua năng lực cống hiến để các thầy, cô giáo tiếp tục gắn bó với nghề.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cảm ơn những chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông 2018, bày tỏ quan điểm tiếp thu tối đa các ý kiến để tham mưu cho Chính phủ với chức năng của Bộ, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong triển khai các hoạt động sắp tới.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam cần tiếp thu đầy đủ, toàn diện với tinh thần cầu thị các ý kiến góp ý của các đại biểu để sớm hoàn thiện văn bản gửi tới Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, phục vụ cho công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội; đồng thời mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục dành thời gian quan tâm, nghiên cứu, đóng góp thêm nhiều ý kiến tâm huyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Vũ Mạnh - Tiến Đạt