Ngày 6/4, Đoàn công tác của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại tỉnh Vĩnh Long.
Tại các cuộc kiểm tra, Đoàn công tác đã nghe Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long báo cáo về những kết quả thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2013-2021 và kế hoạch giám sát và phản biện năm 2022.
Theo đó, trong giai đoạn 2013-2021, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai, thực hiện, phát huy tốt vai trò công tác giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá XI. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân về hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Nhiều ý kiến phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã được các cơ quan tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy Đảng, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong lãnh đạo, quản lý.
Kết quả sau giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh ghi nhận, các cơ quan chức năng đã tích cực phối hợp giải quyết vụ việc, tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời tạo điều kiện cho cơ sở khắc phục những thiếu sót theo đúng quy định.
Việc giám sát bằng văn bản, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã nhận được văn bản trả lời của UBND cùng cấp chỉ đạo giải quyết kiến nghị của cử tri trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, văn hóa, xã hội… kịp thời, đáp ứng yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của của cư tri, được cư tri đồng thuận cao, góp phần vào công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp ngày càng hoàn thiện.
|
Quanh cảnh buổi làm việc tại tỉnh Vĩnh Long. |
Đáng chú ý là trong công tác giám sát MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung giám sát những vấn đề thực hiện quy trình bình nghị cấp và rút giấy chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo; giám sát việc “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ sở y tế tư nhân; giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; việc quản nhà nước về an toàn thực phẩm, việc thực hiện cơ chế một cửa-một cửa liên thông; giám sát vai trò của của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng; Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cùng với đó tập trung giám sát những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân như việc xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường đối với lò giết môt gia súc tập trung, việc giải quyết kiến nghị hỗ trợ nước sạch cho hộ dân, giải quyết kiến nghị của cư tri về tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng gây ra….
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Vĩnh Long trong thời gian qua, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng công tác giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở Vĩnh Long ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao về chất.
Nội dung giám sát, phản biện xã hội thực hiện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, góp phần giúp cho các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước được tổ chức thực thi đầy đù, đạt hiệu quả, bảo đảm sát thực và khả thi cao.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội một số cơ sở chưa hiệu quả, còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung, đối tượng, phương thức triển khai thực hiện giám sát.
Một số cấp uỷ cơ sở chưa quan tâm nhiều đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ; chưa kịp thời định hướng, chỉ đạo việc giám sát và phản biện xã hội; thiếu kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, có nơi sự phối hợp giữa MTTQ với chính quyền chưa được thường xuyên, thiếu chặt chẽ.
Công tác giám sát và phản biện xã hội một số nơi chưa thu hút được sự tham gia của các tổ chức thành viên và Nhân dân; quy định về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết, trả lời những phát hiện, kiến nghị của MTTQ chưa cụ thể. Đội ngũ cán bộ tham gia giám sát, phản biện còn hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.
Ở một vài nơi, MTTQ chưa chủ động đề xuất, chọn nội dung giám sát chưa sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, ngại đụng chạm từ đó một số nội dung giám sát còn chung chung, mang tính hình thức…
|
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu phát biểu tại buổi kiểm tra. |
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh: Công tác giám sát, phản biện xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp và mỗi địa phương. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Mỗi chủ trương, định hướng, quyết sách nếu được tổ chức phản biện tốt sẽ nâng cao hiệu quả thực thi trên thực tế do phù hợp và thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Vì vậy, trong chương giám sát, phản biện xã hội năm 2022, MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội tiếp tục có sự đổi mới, bảo đảm hiệu quả, thực chất, trong đó, công tác giám sát, phản biện xã hội phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào theo tinh thần Kết luận số 19; đồng thời, giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục đích xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chứ không phải chỉ tìm ra khuyết điểm, hạn chế và không có tính xây dựng.
Tăng cường giám sát theo chuyên đề, huy động sự tham gia của toàn hệ thống MTTQ các cấp để phát huy sức mạnh, tiếng nói của toàn hệ thống đối với những nội dung được giám sát, phản biện.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị các cấp ở Vĩnh Long cần chủ động xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.
Phối hợp với chính quyền địa phương cùng cấp để tổ chức phản biện một số dự thảo văn bản quy định pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương, một số chương trình, đề án lớn, có tác động rộng rãi, và trực tiếp đến người dân của địa phương.
Dịp này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng đề nghị Tỉnh ủy Vĩnh Long tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, cần coi đây là giải pháp hiệu quả, thực chất để nâng cao tính dân chủ, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân.
Đồng thời quan tâm, bồi dưỡng cán bộ làm công tác mặt trận nói chung và giám sát, phản biện xã hội nói riêng, trong đó cần quan tâm thực hiện Kết luận số 21 ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tăng cường “Luân chuyển cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sang các lĩnh vực khác và ngược lại” để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng cán bộ mặt trận cũng quan tâm bảo đảm các điều kiện, nhất là về nhân lực và kinh phí để Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai tốt hơn công tác giám sát và phản biện xã hội.
NGUYÊN DU