Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2012/NĐ-CP quy định rõ các hành vi quỹ không được làm gồm: Xâm phạm uy tín của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, khối đại đoàn kết dân tộc. Quy định rõ các hành vi quỹ không được vi phạm như tư lợi, gian dối về tài chính trong quá trình thành lập quỹ và quỹ hoạt động.
Về điều kiện, thủ tục thành lập, dự thảo quy định rõ hơn về trường hợp cá nhân vi phạm pháp luật hình sự không được tham gia sáng lập viên, các quy định khác vẫn giữ nguyên.
Đồng thời, dự thảo xây dựng mới Điều 21 để tạo điều kiện cho quỹ xã hội, quỹ từ thiện mở rộng phạm vi hoạt động theo nguyện vọng của quỹ, mặt khác kiện toàn lại tổ chức của quỹ, được cơ quan có thẩm quyền thành lập nhưng chưa kiện toàn theo quy định hiện nay về quỹ thì nay phải kiện toàn lại. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất tăng mức chi hoạt động quản lý quỹ từ 5% lên không vượt quá 10% tổng thu hàng năm của quỹ.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã nêu một số ý kiến nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, từ đó đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật hiện hành.
Theo ông Đỗ Duy Thường, Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, đây là văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của nhân dân, do Hiến pháp quy định, chính vì vậy việc sửa đổi phải đáp ứng theo đúng tinh thần đổi mới. Theo đó, Nghị định hiện hành và dự thảo thay thế có nhiều quy định chưa phù hợp với Hiến pháp và Bộ luật Dân sự hiện nay. Thực tế cho thấy, quyền tự do thành lập quỹ của công dân và tổ chức là sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định chung với các quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục thành lập, về tổ chức và hoạt động của quỹ…
Ông Đỗ Duy Thường cũng cho rằng, cũng còn nhiều thủ tục hành chính không cần thiết về điều kiện hồ sơ, trình tự mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn chuyển đổi quỹ… chính vì vậy nên xây dựng và ban hành Luật về quỹ xã hội, quỹ từ thiện thay vì ban hành dự thảo Nghị định như hiện hành.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa - Xã hội cho rằng, việc sửa đổi quỹ phải góp phần thực sự vào phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo… Cùng với đó phải đảm bảo cho người thực hiện dễ hiểu và đảm bảo tính xã hội nhiều hơn, đảm bảo sự phối hợp giữa Nhà nước và nhân dân để Nhà nước và nhân dân cùng làm.
“Cần nêu rõ vai trò của Mặt trận, các đoàn thể trong giám sát việc thành lập các quỹ, từ đó giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước”, ông Nguyễn Túc đề nghị.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự cuộc họp, Ban soạn thảo cho biết sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến và chỉnh sửa để Nghị định khi áp dụng vào thực tiễn sẽ tránh được những điểm bất cập và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Hương Diệp