Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đồng chủ trì diễn đàn.
Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và đặc biệt là sự có mặt của 500 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động của các tỉnh, thành phố, ngành, tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, đại diện cho 11 triệu đoàn viên, hơn 50 triệu người lao động cả nước.
Diễn đàn là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và chiến lược xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tập thể lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các thế hệ cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, người lao động cả nước nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2023).
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức diễn đàn, coi đây là một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt, một diễn đàn mà Quốc hội và đại biểu Quốc hội được lắng nghe nhiều ý kiến của công nhân, viên chức, lao động - những người trực tiếp lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển nước nhà.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu gợi mở tại diễn đàn. (Ảnh: DUY LINH)
|
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Mọi quyết sách của Quốc hội đều lấy người dân và doanh nghiệp đặt ở vị trí trung tâm.
“Công nhân và người lao động vừa là công dân, vừa là chủ thể rất quan trọng cho quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Vì vậy, có thể nói công nhân, viên chức và người lao động là đối tượng điều chỉnh của hầu hết các luật trong hệ thống pháp luật của nước ta”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, diễn đàn là dịp để Quốc hội tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của các đoàn viên công đoàn, người lao động để từ đó có thêm cơ sở nghiên cứu, đưa ra Quốc hội bàn thảo, hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như tổ chức giám sát có hiệu quả việc thực thi chính sách pháp luật, giải quyết các vấn đề bức xúc của người lao động.
Để diễn đàn trao đổi tập trung và hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đại diện cán bộ công đoàn, người lao động tập trung vào 2 nhóm vấn đề lớn. Trong đó, có thể kể đến những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kiến nghị và đề xuất của công nhân viên chức và cán bộ công đoàn nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc có liên quan đến lao động, việc làm, sinh kế, đời sống và thu nhập của người lao động trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra là những kiến nghị, đề xuất về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới để ngày càng đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật thực chất, đồng bộ, ổn định, nhất là hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, đặc biệt là các dự án: Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Đất đai…
Từ những trao đổi tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, đại diện các bộ, ngành liên quan trực tiếp giải đáp, thông tin để cử tri nắm được thông tin, phương án, giải pháp cho các vấn đề.
Gần 1.600 kiến nghị của đoàn viên, người lao động gửi đến diễn đàn
Trình bày báo cáo tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, sau khi lãnh đạo Quốc hội đồng ý chủ trương tổ chức diễn đàn, ngày 7/7/2023, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đoàn viên, người lao động cả nước.
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, hiểu cơ sở, sát tình hình đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn đã đa dạng hóa các hình thức tập hợp, lấy ý kiến như: tổ chức hội nghị, lấy ý kiến qua internet, mở hộp thư điện tử (email), mở chuyên mục trên báo chí, trang thông tin điện tử, các bài đăng tải trên mạng xã hội của công đoàn…
|
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày báo cáo tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động. (Ảnh: DUY LINH)
|
Qua quá trình triển khai lấy ý kiến, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ghi nhận có 1.589 kiến nghị của đoàn viên, người lao động được tổng hợp từ báo cáo của 79 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc; hơn 3.000 ý kiến từ các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội của các cấp công đoàn.
Trong đó, nhiều vấn đề rất được đoàn viên, người lao động quan tâm như: nhà ở cho người lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, rút bảo hiểm một lần, quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu; các giải pháp bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, tăng lương tối thiểu, lương cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, vấn đề nâng cao tay nghề cho người lao động, chính sách đặc thù cho người lao động ngành giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ.
Đặc biệt, nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối của công nhân như tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của công nhân, trong sinh hoạt văn hóa, thể thao; khó khăn trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em là con công nhân…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến thành 45 vấn đề lớn để gửi tới Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền. Tại diễn đàn hôm nay, đại diện đoàn viên, người lao động cả nước là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động và cán bộ công đoàn sẽ phát biểu, nêu các đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với những vấn đề được đông đảo đoàn viên, người lao động quan tâm.
“Đoàn viên, người lao động cả nước tin tưởng và kỳ vọng, các ý kiến phản ánh sẽ được lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành tổng hợp đầy đủ, khách quan và được phân tích, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn”, ông Nguyễn Đình Khang nói.
Theo VĂN TOẢN/Báo Nhân dân