Hội nghị do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của công tác hòa giải trong thời gian qua, từ đó khẳng định chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hòa giải là đúng đắn và rất cần thiết, góp phần giải quyết kịp thời, tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, cộng đồng, giữ gìn đoàn kết, ổn định và đồng thuận xã hội. Đồng thời góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; giảm áp lực cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
“Thông qua đó, nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Trăn trở khi hiện nay, số vụ hòa giải chưa thành công vẫn còn gần 20%, đặc biệt, trong cuộc sống hàng ngày, từ trong gia đình, cơ quan, tổ chức đến ngoài xã hội, khó tránh khỏi những xung đột về quan điểm, lợi ích, chính bởi vậy, để việc hòa giải được hiệu quả, kết quả tốt hơn, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần có cách thức giải quyết sao cho dung hòa được lợi ích giữa cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và xã hội.
“Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phải tự coi mình là một hòa giải viên”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.
Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo sự lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhất là ở cơ sở, đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành Tư pháp và MTTQ Việt Nam, Tòa án các cấp trong việc triển khai thực hiện hoạt động hòa giải nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng.
Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, muốn hòa giải hiệu quả cần phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, người tiêu biểu, có uy tín ở cộng đồng; cần nắm chắc luật pháp. Đặc biệt trong phân công phải rõ vai, đúng người, đúng việc; trong hòa giải phải kiên trì, nắm được tâm tư, nguyện vọng, vận dụng vào từng trường hợp cụ thể.
“Phải nắm chắc, dự đoán lĩnh vực nào dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột; đặc thù của vùng thành thị, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào Công giáo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự Hội nghị.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh tới việc các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục quan tâm, đảm bảo kinh phí, điều kiện cần thiết đảm bảo cho hoạt động của Tổ hòa giải và Hòa giải viên.
Cùng với đó cần mở rộng các hoạt động tự quản, thực hiện hương ước, quy ước tại cộng đồng. Tăng cường hoạt động bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ Hoà giải viên các cấp. Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Nhấn mạnh tới truyền truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, khiếu nại, tố cáo kéo dài.
“Đặc biệt là trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch xã, phường, thị trấn và đại diện khu dân cư phải làm sao giải quyết thấu tình đạt lý ngay từ cơ sở. Làm được như vậy, nhất định chúng ta sẽ thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở; Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; Nghị định của Chính phủ và các hướng dẫn của các ban, bộ, ngành, đoàn thể”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Hương Diệp - Ảnh Đình Nam