Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động được thành lập ngày 11/12/2009 trên cơ sở tách ra từ Cục Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp thuộc Tổng Cục Cảnh sát trước đây, ngày truyền thống là ngày 15 tháng 4 hàng năm.
Đây là cơ quan thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ngày 23/12/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh CSCĐ. Ngày 30/9/2014, Bộ Công an đã công bố Quyết định quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động.
Lực lượng Cảnh sát cơ động. Ảnh: Zing.vn
Về chức năng, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động trực thuộc Bộ Công an, là đơn vị nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động có nhiệm vụ xây dựng, tổ chức diễn tập các phương án tác chiến, bảo vệ mục tiêu, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học-kỹ thuật; trực tiếp tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát, cơ động chiến đấu, trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự; bảo vệ các chuyến hàng đặc biệt, hội nghị, sự kiện quan trọng; đồng thời thực hiện các phương án tác chiến chống hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, giải tán các vụ gây rối, biểu tình trái pháp luật.
Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động luôn chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Công an nhiều chủ trương quan trọng, nhiều biện pháp chiến lược chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Cùng với đó là xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy và ngày càng tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm 2011, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng khác giải quyết nhanh chóng, hiệu quả vụ tập trung đông người, gây rối trật tự công cộng với ý đồ thành lập “Vương quốc Mông” tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Năm 2012, tại Gia Lai, lực lượng CSCĐ cũng đã phối hợp truy bắt 59 đối tượng lợi dụng tà đạo “Hà Mòn” để tuyên truyền chống phá Nhà nước (trong đó có 17 tên thuộc tổ chức FulRo).
Chỉ tính riêng từ năm 2011 trở lại đây, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an tổ chức bắt, khám xét nhiều chuyên án lớn với hàng trăm đối tượng đặc biệt nguy hiểm trong các tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Các tụ điểm phức tạp về hình sự, ma túy, các điểm đánh bạc quy mô lớn liên tỉnh, các chiến dịch chống buôn lậu trên tuyến biên giới như Sơn La, Hòa Bình cũng bị bóc gỡ.
Tháng 6.2014, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã trực tiếp tham gia giải quyết nhanh gọn vụ tụ tập, gây rối an ninh trật tự tại các khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh… do các đối tượng quá khích lợi dụng tình hình Biển Đông để kích động đốt phá, cướp tài sản của một số công ty nước ngoài.
Năm 2017, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ mục tiêu nơi có các nguyên thủ quốc gia và nơi diễn ra các cuộc hội đàm, hội thảo trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam).
Theo Dân Việt