Tạp chí Mặt trận trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2018, diễn ra tối 17/10. Chương trình do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại chương trình.
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Thưa quý vị đại biểu khách quý;
- Thưa toàn thể đồng bào!
Hôm nay, tôi rất vui mừng được cùng các vị đại biểu khách quý tham dự chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”, một sự kiện rất có ý nghĩa đối với người nghèo, nhất là người nghèo ở miền núi, ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do Ban Chỉ đạo Trung ương Các chương trình mục tiêu Quốc gia phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Chương trình năm nay được tổ chức đúng vào dịp chúng ta đánh giá ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, nằm trong chuỗi các hoạt động thiết thực: biểu dương các huyện, xã, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; trao giải báo chí về giảm nghèo, hưởng ứng Tháng hành động vì người nghèo.
Thưa quý vị đại biểu,
Thưa toàn thể đồng bào,
Xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay từ khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đề ra nhiệm vụ giải quyết nạn đói là ưu tiên hàng đầu trong 6 nhiệm vụ Chính phủ phải giải quyết, trong đó Người đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Theo Người, đói nghèo là một trong ba thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm) mà chúng ta phải chung tay phòng chống, diệt trừ.
Từ đó đến nay, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững và đã trở thành một chủ trương lớn, một chương trình của quốc gia, giàu tính nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc để quyết tâm thực hiện, vì đó còn là một trong những mục tiêu Thiên niên kỷ, phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.
Chúng ta rất vui mừng trước những kết quả to lớn mà công tác giảm nghèo đã đạt được. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã giảm nhanh, xuống còn 6,7%, tỷ lệ tái nghèo thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.
Trong thành tựu chung đó, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, việc ban hành chính sách, pháp luật và hoạt động giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương, tôi đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế đã chung tay, đồng hành trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các địa bàn khó khăn; đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia các chương trình nhân ái, như: “Cặp lá yêu thương”, “Lục lạc vàng”, “Quỹ Tấm lòng Việt”, “Trái tim cho em”, “Ngôi nhà ước mơ”,…; ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ “Vì người nghèo” hàng chục nghìn tỷ đồng, xây dựng hàng nghìn ngôi nhà “Đại đoàn kết”, giúp hàng trăm nghìn người nghèo về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia với nguồn lực lớn và hình thức hỗ trợ đa dạng, thiết thực. Đây là những nghĩa cử cao đẹp làm lay động lòng người, góp phần cải thiện đời sống cho người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Tôi cũng biểu dương các huyện, xã, các hộ gia đình với tinh thần vượt khó đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tại Hội nghị ngày 12 tháng 10 vừa qua, chúng ta đã vinh danh 8 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo, 38 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn trở thành xã nông thôn mới và 30 hộ gia đình tiêu biểu cho hàng nghìn hộ thoát nghèo.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn còn nhiều trăn trở và chưa thể hài lòng khi cả nước vẫn còn 2,9 triệu hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa.
Với tinh thần tiếp tục hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo”, nhân Ngày Quốc tế phòng chống đói nghèo và Ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10), thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi kêu gọi và mong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hành động thiết thực, đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Tôi trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các quốc gia, các đối tác, các tổ chức quốc tế cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng.
Một hành động thiết thực nhất lúc này là chúng ta hãy soạn tin VNN và gửi vào số 1409, mỗi tin nhắn sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng.
Chúc quý vị đại biểu, khách quý và toàn thể đồng chí, đồng bào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.