|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, với tư cách Chủ tịch ASEM 13, trong bài diễn văn khai mạc, Thủ tướng Hun Sen bày tỏ nhiệt liệt hoan nghênh tất cả các lãnh đạo quốc gia châu Á và châu Âu tham dự hội nghị trực tuyến. Người đứng đầu Chính phủ Campuchia khẳng định, sau gần 2 năm đại dịch COVID gây ra những tác động chưa từng có đối với đời sống con người và kinh tế-xã hội, ông rất tự hào khi ASEM 13 giờ đây đã diễn ra, dù theo hình thức trực tuyến, cùng với tiến trình tái mở cửa biên giới của Campuchia.
Mặc dù tất cả các quốc gia đang nỗ lực hồi phục kinh tế-xã hội trong khi chấp nhận chung sống an toàn với dịch COVID-19, Thủ tướng Hun Sen cho rằng chủ đề được chọn cho ASEM 13 “Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung” đã chứng tỏ tính đúng đắn và tương thích hơn bao giờ hết. Nhà lãnh đạo Campuchia khẳng định, trong một thế giới khủng hoảng hậu COVID-19, các nước cần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á-Âu để duy trì cơ chế đa phương mạnh mẽ nhằm mang lại sự thịnh vượng không chỉ “bền vững” mà còn có thể được “chia sẻ”.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia, 7 chủ đề được thảo luận tại Hội nghị ASEM 13 diễn ra trong hai ngày 25-26/11 gồm: Thành tựu, khó khăn và giải pháp; Tái hồi phục cơ chế đa phương vì hòa bình và ổn định toàn cầu; Tăng cường hệ thống thương mại dựa trên luật pháp; Sự phát triển toàn diện và bền vững; Kết nối; Phụ nữ, hòa bình và an ninh; Biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo ASEM cũng sẽ thảo luận về vấn đề đại dịch COVID-19 và quá trình hồi phục/phát triển kinh tế, theo đó sẽ tập trung vào: Giải quyết các vấn đề do đại dịch COVID-19 gây ra; Thúc đẩy hồi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19 vì sự thịnh vượng chung; Tái thiết một tương lai thích ứng linh hoạt.
Trong phiên bế mạc, các nhà lãnh đạo ASEM sẽ có cơ hội bày tỏ và trao đổi quan điểm một cách tự do, cởi mở và mang tính xây dựng về các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) chính thức được thành lập theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 1/3/1996 tại Bangkok, Thái Lan. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.
Từ khi ra đời đến nay, ASEM đã tăng gấp đôi số lượng thành viên ban đầu, từ 26 lên 53 (gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu, Ban Thư ký ASEAN và Ủy ban châu Âu). Qua 5 lần mở rộng, ASEM giờ đây chiếm khoảng 60% dân số thế giới, đóng góp 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu. ASEM có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 nước trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), 4 nước trong Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Hội nghị cấp cao ASEM 13 dự kiến sẽ thông qua 3 văn kiện gồm: Tuyên bố Chủ tịch về Củng cố chủ nghĩa đa phương vì tăng trưởng chung, Tuyên bố Phnom Penh về COVID-19 và phục hồi kinh tế, và Định hướng hợp tác về kết nối ASEM.
Theo Trần Long (TTXVN)