Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; các vị Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể.
Hội nghị lần thứ hai của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tập trung hiến kế để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước theo tinh thần Kết luận 77 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 84 của Chính phủ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị.
Báo cáo kết qủa công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất, tranh thủ thời cơ, chủ động, quyết liệt, sáng tạo vận động toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19; phát động, vận động toàn dân, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ nguồn lực, kinh phí phòng, chống dịch; đồng thời phối hợp cùng Chính phủ, các cấp, các ngành hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và kinh doanh. Mặt trận đã phát huy vai trò nòng cốt trong vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, qua đó củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước khi cả dân tộc phải đối diện với những khó khăn, thách thức.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực ủng hộ cho các lực lượng trên tuyến đầu và nhân dân các địa phương trong vùng dịch. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã có hàng loạt các hoạt động thiết thực hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn của đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là chăm lo hỗ trợ những đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi đại dịch với nhiều cách làm thiết thực, sáng tạo như: lắp đặt các trạm rửa tay dã chiến; mô hình "Siêu thị 0 đồng", chương trình "San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch", chương trình “Một triệu ly sữa”... Quân đội Nhân dân Việt Nam triển khai các khu vực cách ly, tăng cường các chốt chặn, kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới, đường mòn, lối mở; tổ chức tiếp nhận, quản lý, giám sát, cách ly y tế người từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam... Một số tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực đề xuất với Đảng, Nhà nước triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh.
Đông đảo các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước, các cơ quan, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã tin tưởng góp sức, góp tiền, góp hiện vật thông qua hệ thống Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Tính đến ngày 30/6/2020, tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền vận động ở Trung ương và địa phương được trên 2.000 tỷ đồng. Trên cơ sở số tiền và hàng tiếp nhận, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ, phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các cơ quan, bộ, ngành liên quan kịp thời phân bổ đến đối tượng sử dụng.
Các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và nhiều hội đoàn người Việt Nam ở các nước đã tham gia tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tuân thủ các quy định của nước sở tại, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, vận động, ủng hộ công tác phòng, chống dịch ở trong nước. Thông qua Bộ Ngoại giao, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trao tặng kiều bào ta tại Mỹ 50.000 khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19…
Quang cảnh Hội nghị
Cùng với đó, nhờ chủ động đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường thông tin trực tuyến, Mặt trận các cấp đã thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về đại hội đảng các cấp và chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị lớn của đất nước. Việc đổi mới phương thức và chất lượng nắm bắt, phản ánh kịp thời tình hình, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri mặc dù trong điều kiện giãn cách xã hội, song vẫn được Mặt trận các cấp vận dụng linh hoạt, sáng tạo, lắng nghe các kênh, bảo đảm khách quan, nhiều chiều, do vậy đã đáp ứng được yêu cầu về tính kịp thời, đầy đủ, toàn diện, tiếp tục phát huy vai trò cầu nối của Mặt trận giữa Đảng với nhân dân.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục triển khai tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với những hoạt động phù hợp, thiết thực. MTTQ Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực vận động, quan tâm chăm lo các đối tượng góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt MTTQ các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung bộ đã vận động nhân dân chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam trong tỉnh khắc phục và vượt qua khó khăn kép do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn; MTTQ TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp thiết thực cùng hệ thống chính trị của Thành phố vận động nhân dân trong công tác ứng phó, phòng, chống, ủng hộ các nguồn lực.
Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam nhiều địa phương đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng cấp tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới; tổ chức sơ kết, xây dựng các mô hình điểm và đăng ký thực hiện danh hiệu cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng đường giao thông nông thôn. Các địa phương đã triển khai nhiều mô hình hoạt động, chương trình cụ thể gắn với cuộc vận động ở cơ sở. Việc đẩy mạnh triển khai cuộc vận động đã góp phần quan trọng vào kết quả chung đến nay cả nước đã có 5.233 xã (58,9%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 131/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (19,3%), có 2 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Các hoạt động vì người nghèo, cứu trợ thiên tai được hệ thống Mặt trận quan tâm thường xuyên. Theo báo cáo của 46 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 30/6/2020, MTTQ Việt Nam 04 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 1.472 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được 357,263 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên: 1.115 tỷ đồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm tham gia tổ chức, góp ý vào văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy. Công tác giám sát và phản biện xã hội được duy trì tốt ở nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, từ ý kiến góp ý, phản biện xã hội của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 18/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Điều 6 với tỷ lệ phiếu tán thành cao. Theo quy định mới này, phản biện xã hội của Mặt trận được thực hiện từ rất sớm, ngay từ khâu bắt đầu xây dựng chính sách, trong hồ sơ trình thông qua chính sách, phải có ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận.
Qua tổng hợp sơ bộ từ báo cáo của 43 tỉnh, thành phố, 6 tháng đầu năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã: góp ý 3.215 loại văn bản quy phạm pháp luật, 10.695 dự thảo các chương trình, đề án và các văn bản khác của cấp ủy, chính quyền cùng cấp; phối hợp tổ chức 2.450 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tổ chức 4.717 cuộc giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản, thành lập 9.492 đoàn giám sát; Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 16.548 cuộc, kiến nghị thu hồi trên 524 triệu đồng; tổ chức 2.962 cuộc phản biện xã hội; đã tiếp 19.563 lượt công dân, 101 đoàn đông người phức tạp, hướng dẫn giải thích trực tiếp cho 17.829 lượt người; tham gia hòa giải thành 20.288/25.853 vụ việc ở cơ sở.
Trong việc tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cấp huyện, cấp xã và ở các địa phương có sắp xếp, sát nhập đơn vị hành chính được tổ chức ổn định; nhiều địa phương đã triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Trong thời gian giãn cách xã hội, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã linh hoạt và triệt để trong thay đổi phương thức hoạt động theo hướng giảm tập trung, tăng trực tuyến, duy trì và đảm bảo kế hoạch, xử lý các công việc đột xuất, cấp bách, phát sinh hiệu quả, biến khó khăn thành cơ hội để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Mặt trận.
Vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid-19
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ hai, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Đoàn Chủ tich xem xét ban hành Nghị quyết về vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Kết luận 77 của Bộ Chính trị.
Dự thảo Nghị quyết này tập trung vận động toàn dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế đất nước. Thông qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ Việt Nam vận động toàn dân tích cực lao động sản xuất, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, huy động nhiều nguồn lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nghị quyết này cũng hướng tới việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong điều kiện mới; tập trung tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hành tiết kiệm; đẩy mạnh phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”.
Để nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng về phát huy nội lực để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Tổ chức phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Vận động các doanh nghiệp Việt Nam tăng tỉ lệ nội địa hóa đầu vào của yếu tố sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng sẽ hướng tới việc tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về kinh tế, an sinh xã hội.
“Thông qua các hoạt động giám sát, kịp thời nắm bắt những kiến nghị, đề xuất phù hợp, chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp để kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh.” Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết.
Thảo luận về nội dung này, tại Hội nghị, các vị trong Đoàn Chủ tịch đã có nhiều ý kiến đối với ngội dung của Nghị quyết.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Việt Nam là một nơi đáng sống, đáng để hợp tác và đầu tư
Nêu ý kiến của mình, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2020, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đạt được nhiều thành công đột phá trong công tác Mặt trận, đặc biệt là việc góp sức cùng Chính phủ đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chính nhờ có sự vào cuộc kịp thời và nhanh chóng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã giữ vững được niềm tin và “sức khỏe” cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung.
“Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức vào ngày 17/3/2020 đã khơi dậy được sự đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tô điểm cho bản lĩnh và khí chất của con người Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Thân bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Khẳng định cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của UBTƯ MTTQ Việt Nam với doanh nghiệp và người lao động, ông Nguyễn Văn Thân cho biết, thắng lợi của đất nước ta không những đã bảo vệ được sinh mạng của người dân mà còn tiết kiệm được nhiều nghìn tỷ đồng cho các dịch vụ y tế và công tác phòng, chống dịch. Đây là minh chứng thuyết phục cho nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế và đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước và người nước ngoài rằng: “Việt Nam là một nơi đáng sống, đáng để hợp tác và đầu tư”.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn gây ra sự “đứt gãy” cho chuỗi cung ứng toàn cầu và làm chao đảo hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Chúng ta cần tập trung phát triển thị trường nội địa và đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời tận dụng tối đa các ưu đãi do các hiệp định thương mại tự do đem lại, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, và Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mới được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 8/6 vừa qua.
Để phát huy tối đa tiềm năng kinh tế trong nước, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, hiện nay có 28 quỹ bảo lãnh tín dụng nằm rải rác trên toàn quốc với tổng nguồn vốn là 1.450 tỷ đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ Covid-19. Do đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ trên, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay đối với doanh nghiệp.
Cũng theo ông Thân, việc giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất khó, nhưng cần đẩy nhanh để tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động. Bởi vậy, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào nhiều gói thầu khác nhau.
Bên cạnh đó cần kiến nghị Chính phủ cân nhắc việc giãn thuế VAT cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đến hết năm 2020 và miễn trừ toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020; đồng thời kiến nghị để Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa có chiều hướng thuyên giảm, các tổng công ty, tập đoàn lớn của các nước như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và Hàn Quốc đang có xu hướng dịch chuyển “nóng” qua các quốc gia khác (thậm chí có sự hỗ trợ của Chính phủ nước họ). Việt Nam là một nước có nền kinh tế phát triển mạnh, nền chính trị vững vàng, trật tự an toàn xã hội ổn định và có tỷ lệ dân số “vàng” đầy hấp dẫn, ông Nguyễn Văn Thân đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam cần có những sáng kiến, giải pháp hữu hiệu, vượt trội để giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường nước ta.
“Đề nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan đẩy mạnh giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn sau dịch bệnh Covid-19, nghiêm khắc xử lý tất cả các hành vi vi phạm nhằm lợi dụng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để trục lợi trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang gồng mình lên để khắc phục hậu quả sau dịch và vực dậy nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Thân nói.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học Giáo dục của UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Để góp phần thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học Giáo dục của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc phát động của Mặt trận là rất quan trọng để người dân, doanh nghiệp phải cùng rốt ruột, xắn tay áo lên vào cuộc bằng những hành động cụ thể để góp sức cùng Chính phủ tích cực tham gia phục hồi và đạt những bước phát triển nhanh về kinh tế sau dịch.
GS. Nguyễn Lân Dũng cũng nhấn mạnh tới việc Mặt trận phải tuyên truyền đến người dân về những thành quả của công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, kiên quyết không để dịch quay lại lần thứ hai.
Ông Lý Ngọc Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1 phát biểu tại Hội nghị.
Ông Lý Ngọc Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty TNHH Minh Long 1 nêu thực tế, sau thành công bước đầu phòng chống dịch Covid-19 vấn đề lớn nhất đặt ra là phục hồi nền kinh tế, khôi phục sản xuất. Bởi sau đại dịch, có nhiều doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản, nhiều tập đoàn lớn đang lung lay. Những ngành như hàng không, du lịch, xuất khẩu phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Nhấn mạnh tới việc cần kích cầu du lịch để thúc đẩy kinh tế, ông Lý Ngọc Minh cho rằng, Việt Nam đang là điểm sáng, một câu chuyện thần kỳ đối với thế giới về việc chống chế dịch thành công, không có bệnh nhân tử vong, quốc tế họ đang rất tò mò và muốn đến Việt Nam
“Bước đầu nên cho những nước tạm ổn định dịch đến với Việt Nam để phát triển du lịch, đây chính là cơ hội vàng để Việt Nam khẳng định vị thế và mang niềm tin tới các nước trên thế giới tìm đến Việt Nam du lịch.” Ông Lý Ngọc Minh kiến nghị.
Ông Lý Ngọc Minh cũng kiến nghị, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực sự hiệu quả, như phát hành trái phiếu lãi suất thấp cho ngân hàng để ngân hàng có vốn cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp, giảm thuế để ổn định những mặt hàng thiết yếu giúp người dân, doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.
Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh