Khai trương Nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng phòng, chống Covid-19

Sáng 18/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp Bộ Y tế tổ chức khai trương Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (KCBTX) và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư; điểm cầu trực tuyến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và một số bệnh viện vệ tinh, cơ quan ngành y tế, tập đoàn, doanh nghiệp (DN).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử dự và phát biểu ý kiến.

Tại buổi lễ, Bộ TT-TT và Bộ Y tế kêu gọi các DN khác cùng tham gia phát triển không chỉ các nền tảng mà cả các ứng dụng, để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế. Bộ TT-TT và Bộ Y tế sẽ phối hợp hoàn thiện hành lang pháp lý về KCBTX, ban hành các chuẩn mở để các hệ thống nền tảng, các ứng dụng tuân thủ các tiêu chuẩn và kết nối với nhau.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng tham dự sự kiện khai trường Nền tảng tư vấn KCBTX gồm sáu lĩnh vực, một công việc khá mới mẻ đối với nước ta, một đất nước trải dài với nhiều địa hình hiểm trở. Trong thời kỳ dịch Covid-19, chúng ta đã khai trương ứng dụng Bluezone, đây là một vấn đề mới nhằm góp phần truy vết dịch bệnh.

Thủ tướng đánh giá cao ngành TT-TT, y tế chủ động phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; ghi nhận và đánh giá cao các lực lượng, nhất là đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia công nghệ, các DN công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia chiến dịch phòng, chống dịch.

Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời chào tới những chiến sĩ áo trắng kiên cường, dũng cảm, đi đầu trong công cuộc chống đại dịch trên cả nước. Từ nhiều năm nay, ngành y tế đã triển khai một số hoạt động KCBTX. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, thực tiễn đòi hỏi các bệnh viện phải có thêm kênh KCBTX nhiều hơn nữa, phổ cập hơn nữa giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cân phải đến bệnh viện khi chưa thấy cần thiết, giúp giảm tải bệnh viện.

Thủ tướng nhất trí rằng, Việt Nam cần có nền tảng công nghệ, giúp các cơ quan, tổ chức nhanh chóng đưa hoạt động của mình lên môi trường số, từ đó phục vụ tốt hơn, kịp thời hơn nhu cầu của người dân. Những gì chứng kiến tại sự kiện này cho thấy lợi ích rõ ràng của KCBTX: các bệnh nhân vẫn được khám bệnh nhưng chỉ tới bệnh viện khi cần thiết; bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới hết sức nhanh chóng và thuận lợi. Điều đặc biệt là các DN công nghệ số Việt Nam như Viettel, VNPT, MobiFone, Bkav... dưới sự phát động của Bộ TT-TT rất chủ động, tích cực đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh; ra mắt nhiều ứng dụng phục vụ người dân trong khám chữa bệnh; việc ra mắt ứng dụng có thể giúp người dân tự quản lý các tiếp xúc gần của mình, bảo vệ thông tin cá nhân, có thêm công cụ bảo vệ mình và cộng đồng, là xu hướng chung nhiều nước, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang tiến hành thực hiện phòng, chống dịch.

Nhân sự kiện này, Thủ tướng đề nghị, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, KCBTX hiệu quả nhân đôi, nhân ba, cần phải tuyên truyền mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu chống dịch, giãn cách xã hội; lợi ích công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm lượng giấy tờ phức tạp; đem lợi ích cho cho người dân, nhất là giảm chi phí. Cho nên, dịch vụ công trực tuyến, kể cả KCBTX cần tăng cường hướng dẫn cho người dân, các DN công nghệ chú ý bảo mật thông tin cá nhân. Bộ TT-TT và Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình hành hệ thống chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh, phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như hỗ trợ tư vấn KCBTX, quản trị y tế thông minh; hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; phối hợp xây dựng và hoàn thành hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Bộ TT-TT, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia trước ngày 20-4 để ký ban hành trong tháng 4-2020; đây là vấn đề quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số mọi mặt trong xã hội. Bộ TT-TT chỉ đạo, hiệu triệu các DN công nghệ số Việt Nam không ngừng sáng tạo, phát triển nhiều nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng hơn nữa phục vụ nhân dân.

Đối với sự kiện này, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Viettel khi triển khai Nền tảng đi kèm với đào tạo, bảo đảm lực lượng vận hành hệ thống ổn định trên toàn quốc, nâng cấp và phát triển phần mềm liên tục để đáp ứng nhu cầu; đề nghị Bkav tiếp thu ý kiến, trao đổi, góp ý của cộng đồng người dùng để phần mềm Bluezone vận hành tốt hơn, ổn định hơn. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp tục quyết liệt triển khai KCBTX, liên tục đánh giá, rút kinh nghiệm; trên cơ sở đó, đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này. Điều quan trọng trong công tác này phải có nhiều bác sĩ giỏi chuyên môn, đồng thời giỏi cả CNTT; không để KCBTX xảy ra sai sót, "sai một ly đi một dặm".

Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các tập đoàn Viettel, Bkav... có nhiều nỗ lực, sáng kiến thời gian qua, thể hiện bằng hành động cụ thể hôm nay. Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác tốt giữa ngành TT-TT và y tế. Chúng ta hãy coi đây là dấu mốc khởi đầu cho câu chuyện lớn hơn nhiều, đó là chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số, quốc gia thông minh. Thủ tướng mong 14 nghìn cơ sở y tế trên cả nước tổ chức thành công việc KCBTX chính xác, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Nhân buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói chuyện trực tuyến, thăm hỏi và động viên một số cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân tham gia KCBTX; bày tỏ đánh giá và mong áp dụng mô hình này rộng rãi và thành công.

* Tại sự kiện, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện sử dụng Nền tảng để kết nối với Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mãn tính cần đi khám; kết nối với Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh hội chẩn CT từ xa đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp và kết nối trực tiếp với bệnh nhân tại xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) để khám bệnh.

Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối internet vạn vật (IoT) và xử lý thời gian thực, Nền tảng sẽ còn phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Bác sĩ giỏi nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia quá trình điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam.

* Nền tảng hỗ trợ tư vấn KCBTX do Tập đoàn Viettel phát triển đáp ứng đầy đủ sáu lĩnh vực KCBTX theo quy định của Bộ Y tế ban hành gồm: tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn KCBTX; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyến giao kỹ thuật KCBTX.

Sự ra đời của Nền tảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh cho người dân, giảm chi phí đầu tư hệ thống ban đầu, bệnh viện không cần có sẵn đội ngũ chuyên gia CNTT tại chỗ để vận hành, duy trì.

Nền tảng giúp triển khai đồng loạt hệ thống KCBTX tại hàng nghìn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu. Vì vậy, hết sức có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

* Với ứng dụng Bluezone, mỗi người dân có thể cài đặt ứng dụng trên điện thoại nhằm bảo vệ mình và cộng đồng, góp phần ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của virus. Cơ quan chức năng có thể phản ứng nhanh, chính xác và kịp thời với tình hình trong khi người dân yên tâm với cuộc sống sinh hoạt bình thường, loại bỏ tâm lý e ngại, hoang mang không cần thiết.

Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp (BLE). Các điện thoại thông minh được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu.

Nếu có F0, cơ quan y tế có thẩm quyền nhập dữ liệu F0 vào hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các điện thoại thông minh trong cộng đồng Bluezone. Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1).

Theo THANH GIANG, ẢNH: TRẦN HẢI/ Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều