|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm hỏi các đại biểu tham dự chương trình |
Tham dự chương trình có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước.
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
|
Đại biểu tham dự chương trình |
Cùng dự chương trình có đại diện Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ; Ban Nội chính Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Về phía tỉnh Điện Biên có ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thành phố của tỉnh Điện Biên.
Đặc biệt, chương trình có sự tham dự 139 đại biểu là các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa - những nhân chứng sống của lịch sử, đã không quản ngại tuổi cao, sức yếu, đến từ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình để tham dự chương trình.
|
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại chương trình |
Phát biểu tại Chương trình thay mặt UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trân trọng cảm ơn Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành tình cảm đặc biệt tới dự, chỉ đạo, động viên và sẽ trao tặng những phần quà thấm đượm nghĩa đảng, tình dân; đồng thời gửi tới các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thân nhân gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các vị đại biểu lời thăm hỏi sức khỏe, những tình cảm quý trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ, nhớ lại 70 năm về trước, nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm chỉ huy trưởng mặt trận. Đồng thời thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Người dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Cả nước tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Đúng ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Với sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với ý chí kiên cường, mưu trí, dũng cảm của một dân tộc anh hùng, quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, “đánh chắc”, “tiến chắc”, đập tan các tuyến phòng thủ ở các hướng, 17h30 ngày 07/5/1954, Tướng Đờ Cát-xtơ-ri và Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng, bị bắt sống.
|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại chương trình. |
“Sau 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Đó là bản anh hùng ca bất diệt, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta” Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ và khẳng định Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo cơ sở quyết định việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Có thể khẳng định rằng, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa của một dân tộc Việt Nam anh hùng. Chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước nồng nàn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Trong giờ phút trang trọng, xúc động của cuộc gặp mặt Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, chúng ta bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã cống hiến trọn đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người chỉ huy tài tình, tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Tổ quốc ta, nhân dân ta, muôn đời con cháu chúng ta nhớ ơn các anh hùng, liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” Chủ tịch Đỗ Văn Chiến xúc động nói.
|
Đại biểu tham dự chương trình |
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân đã, đang và sẽ làm hết sức mình để nhớ ơn công lao của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Bằng tất cả những gì có thể làm được để đền đáp một phần sự hy sinh, mất mát của các anh, các chị, các đồng chí.
Với tinh thần đó, nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và 54 tỉnh, thành phố tổ chức tri ân những người đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Do 70 năm đã trôi qua, không thể vượt qua được quy luật sinh tử, nhiều người đã về với Bác Hồ, Bác Giáp. Dịp này, chúng ta chỉ còn được gặp mặt, tặng quà, tri ân 13.836 đồng chí thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Cuộc tri ân này được tổ chức rộng khắp ở hầu hết các tỉnh, thành phố để cùng nhau nhắc nhở về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ và tuyên truyền, giáo dục truyền thống để mọi thế hệ người Việt Nam tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thiết thực chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công: “Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống trung bình khá trở lên, so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú”.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng mong muốn và trân trọng đề nghị người có công và gia đình người có công trên phạm vi cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, động viên con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phấn đấu trở thành cán bộ tốt, công dân gương mẫu, nỗ lực cao nhất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đóng góp công sức xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu dấu của chúng ta.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và khí thế hào hùng của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, huy động mọi nguồn lực ở trong nước cùng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, xây dựng đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn.
"Với lời hiệu triệu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, nhất định chúng ta sẽ phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; nhất định chúng ta sẽ hiện thực hóa được khát vọng xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.
|
Cụ Bùi Kim Điều, nguyên Tiểu đội phó tiểu đội thông tin, thuộc Đại đoàn 312 phát biểu tại chương trình |
Là người đã trực tiếp làm giao liên, truyền tin nhiệm vụ bao vây đánh chiếm đồi Độc Lập trong chiến dịch 56 ngày đêm với cựu chiến binh Bùi Kim Điều, nguyên Tiểu đội phó tiểu đội thông tin, thuộc Đại đoàn 312, những ký năm xưa dường như vẫn vẹn nguyên.
Ông Bùi Kim Điều kể lại, đúng 17 giờ (ngày 13/3/1954) sau mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75 đến 120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt, đến 23 giờ 30 phút quân ta đã giành thắng lợi tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 200 tên địch, bắt 370 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị...
7 giờ 30 phút ngày 14/3/1954, quân địch tổ chức lực lượng phản kích hòng chiếm lại Him Lam nhưng bị thất bại và tiếp tục bị thiệt hại nặng nề, phải từ bỏ hoàn toàn ý định chiếm lại cứ điểm Him Lam. Trận đánh mở màn đã thành công ngoài mong đợi. Sau đó, đơn vị ông lại được giao nhiệm vụ tiếp tục bao vây đánh chiếm đồi Độc Lập, lúc này do bom đạn phá huỷ làm mất thông tin liên lạc, có một công văn khẩn của trung đoàn (kí hiệu là Nam Ninh) gửi cấp tốc xuống 3 tiểu đoàn kí hiệu: Nam Kế, Nam Tiến, Nam Thắng, lúc đó ông cùng 2 đồng chí nhận nhiệm vụ làm giao liên đưa công văn.
“Từ trung đoàn xuống tiểu đoàn chỗ xa nhất 3 km chúng tôi phải chạy, luồn lách qua giao thông hào, lúc không có giao thông hào thì phải khom lưng chạy trong mịt mù của đạn pháo binh. Lúc này có 2 đồng chí bị thương, còn lại một mình tôi, lúc đó tôi lo nhất là không mang kịp công văn đến các tiểu đoàn, trong đầu chỉ nghĩ phải nhanh chóng đưa kịp công văn hoả tốc và tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” ông Bùi Kim Điều nhớ lại.
Chiến dịch giành thắng lợi, ngày 13/5 đơn vị của ông được vinh dự mừng chiến thắng ở Mường Phăng, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì được Đại tướng khen ngợi, biểu dương thành tích vì được tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia đánh trận mở màn dành thắng lợi vang dội. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã trực tiếp cùng đơn vị bắt sống tướng Đờ Cát - xtơ - ri. Đơn vị có 5 anh hùng được tuyên dương, Đại đoàn được Bác Hồ uỷ nhiệm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ quyết chiến, quyết thắng, Đại đoàn trưởng: Lê Trọng Tấn lên nhận lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Bác Hồ
“Chúng tôi, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa, xin hứa với Anh linh các anh hùng liệt sỹ, với đồng chí, đồng đội của mình, với Đảng, Nhà nước và nhân dân sẽ tiếp tục phát huy tốt bản chất, truyền thống của người chiến sỹ cách mạng, giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” thực sự là tấm gương mẫu mực cho thế hệ trẻ học tập, noi theo, góp phần cùng Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với tầm vóc lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng” Bùi Kim Điều xúc động nói.
|
Cụ Dương Chí Kỳ, sinh năm 1934, đến từ thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình |
Phát biểu tại chương trình, cụ Dương Chí Kỳ, sinh năm 1934, đến từ thành phố Hồ Chí Minh, nay đã 90 tuổi, 70 tuổi đảng, 55 tuổi quân ngũ cũng bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. Năm 1953, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, ông cùng các thế hệ thanh niên thời ấy, xếp bút nghiên, tình nguyện nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ thuộc Trung đoàn E.174, Sư đoàn 316, tham gia đánh giặc cho đến ngày 7-5-1954, sau đó thực hiện nhiệm vụ áp giải tù binh về xuôi. Sau này, ông lại trở lại chiến trường Điện Biên Phủ thu dọn chiến trường, xây dựng nông trường Điện Biên trước khi trở lại Hà Nội học tập.
Được trở lại Điện Biên phủ thăm chiến trường xưa, thắp nén tâm nhang viếng các anh hùng liệt sĩ, thăm lại Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, cụ Dương Chí Kỳ không giấu nổi tâm trạng vừa hạnh phúc, vừa bùi ngùi nhớ đồng đội cũ. “Các chiến sĩ Điện Biên năm xưa có thể nói đầu đội trời chân đạp đất, áo mộc, anh dũng chiến đấu noi theo các anh hùng Ngô quyền, Nguyễn Huệ, Bà Trưng, Bà Triệu, viết tiếp bảng anh hùng ca sau chiến thắng của dân tộc”, cụ Dương Chí Kỳ chia sẻ. Hình ảnh những chiếc xe thồ nối đuôi nhau chở lương thực, đạn dược ra chiến trường không bao giờ có thể phai mờ trong tâm khảm người lính Điện Biên Phủ.
Nhắc lại tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Dương Chí Kỳ cũng chia sẻ, 70 năm đã qua, Điện Biên Phủ đã thay da đổi thịt, ánh điện đã rọi sáng đến từng thôn bản. Là một nhân chứng lịch sử, trở lại chiến trường xưa, thắp nén tâm nhang viếng đồng đội cũ, cụ chỉ mong hế hệ con cháu các dân tộc Tây Bắc, cháu chắt của Bác Hồ học tập rèn luyện, noi gương các anh hùng liệt sĩ năm xưa, rèn luyện, tu dưỡng, chiến thắng mọi khó khăn gian khổ đưa quê hương Điện Biên Phủ ngày càng khang trang hơn nữa, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của người lính Điện Biên năm xưa.
Kết thúc bài phát biểu, cụ Dương Chí Kỳ chỉ có một tâm nguyện, những liệt sĩ Điện Biên được quy tập, nhang khói đầy đủ, những thương binh, bệnh binh Điện Biên Phủ được chăm lo để có cuộc sống hạnh phúc. “Chia tay Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1, chia tay đồng đội, tôi lại trở về TPHCM xa xôi, xin gửi lại đây nghĩa tình với mảnh đất Điện Biên”, cụ Dương Chí Kỳ cúi đầu trước khi kết thúc bài phát biểu. Cả hội trường như lặng đi, những giọt nước mắt thầm rơi trên gương mặt nhiều chiến sĩ Điện Biên…
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường tặng quà cho 15 đại biểu tại chương trình |
|
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính tặng quà cho đại biểu tham dự chương trình |
|
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho đại biểu tham dự chương trình
|
|
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho đại biểu tham dự chương trình
|
|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự chương trình |
|
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại chương trình |
Hương Diệp - ảnh Quang Vinh