Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc “Hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, trong nhiệm kỳ qua, kết quả nổi bật quan trọng nhất là đã thể chế hóa về tổ chức của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tại khoản 3, Điều 6 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban Công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là khu dân cư). Tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định”. Thực hiện quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công tác kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đầu tư, coi trọng với nhiều giải pháp thiết thực, từng bước đổi mới đã góp phần quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp hàng năm.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thống nhất nhận thức, xác định đúng vai trò, vị trí của Ban Công tác Mặt trận trong việc tuyên truyền thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong việc thực hiện 2 cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết - Sáng tạo”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”… trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, trong giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng... Từ đó, tập trung kiện toàn tổ chức, hướng dẫn, điều chỉnh sắp xếp lại quy mô của các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, thành lập mới hoặc sáp nhập một số Ban Công tác Mặt trận ở những địa bàn chưa có các chi hội đoàn thể, đảm bảo một chi bộ lãnh đạo trực tiếp một Ban Công tác Mặt trận, thuận lợi cho việc tổ chức và phối hợp thống nhất hành động, đặc biệt là trong các hoạt động bề nổi. Theo thống kê, toàn quốc hiện có 105.366 thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố... trong đó số lượng Ban Công tác Mặt trận là 101.516, với phương châm thiếu thì bổ sung, yếu thì thay thế, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên hướng dẫn, kiện toàn đủ số lượng thành viên của các Ban Công tác Mặt trận từ 7 - 15 người, đảm bảo cơ cấu thành phần Ban Công tác Mặt trận theo quy định của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã cư trú ở khu dân cư, đại diện chi ủy, người đứng đầu của Chi hội người cao tuổi, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Chữ thập đỏ... chú ý mở rộng thành phần người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Cùng với việc sắp xếp lại quy mô của các Ban Công tác Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng Trưởng Ban Công tác Mặt trận thông qua việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng trang bị tài liệu, tham quan mô hình, tổ chức hội nghị biểu dương Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiêu biểu; tổ chức hội thi Trưởng Ban Công tác Mặt trận giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, động viên, thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ Mặt trận tham gia, là hình thức tập huấn cán bộ Mặt trận và Trưởng Ban Công tác Mặt trận đạt hiệu quả thiết thực. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất việc thực hiện chế độ phụ cấp cho Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Cùng với việc kiện toàn tổ chức, phương thức hoạt động, căn cứ vào Quy chế mẫu về tổ chức, hoạt động Ban Công tác Mặt trận của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hầu hết các Ban Công tác Mặt trận đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, quy định cụ thể mối quan hệ và sự phân công giữa các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận, lồng ghép và kết hợp nội dung hoạt động của Ban Công tác Mặt trận với những công việc của khu dân cư và nhiệm vụ của mỗi tổ chức thành viên. Trên cơ sở 4 nhiệm vụ chủ yếu của Ban Công tác Mặt trận theo quy định Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các nội dung của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết - Sáng tạo”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”…, các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận đã phối hợp chặt chẽ với Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng đảng và chính quyền vững mạnh ở các địa phương. Đặc biệt Ban Công tác Mặt trận ở nhiều khu dân cư đã duy trì, mở rộng thành phần, nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung hình thức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân vì vậy ngày càng thu hút được đông đảo nhân dân tham gia các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư
Từ những kết quả và kinh nghiệm nhiệm kỳ qua, trước bối cảnh tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới của Ban Công tác Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thường xuyên quan tâm, tập huấn, hướng dẫn kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác Mặt trận theo quy định của Điều lệ, tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau đây:
Về tổ chức: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức chi bộ Đảng, Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức thành viên ở khu dân cư cho phù hợp với quy mô, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và phối hợp thống nhất hành động của Ban Công tác Mặt trận. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đảm bảo số lượng từ 7-15 thành viên với nhiều cá nhân tiêu biểu là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi. Tổ chức thực hiện và đảm bảo quy trình kiện toàn, củng cố Ban Công tác Mặt trận theo 4 bước:
+ Báo cáo với chi ủy về chủ trương kiện toàn, đồng thời làm việc với những cá nhân tiêu biểu, người đứng đầu các tổ chức thành viên có sự thay đổi để giới thiệu người tham gia Ban Công tác Mặt trận.
+ Làm tờ trình kèm theo danh sách người được giới thiệu tham gia Ban Công tác Mặt trận đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường, xã, thị trấn ra quyết định thay đổi, bổ sung.
+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường, xã, thị trấn ban hành quyết định công nhận thành viên của Ban Công tác Mặt trận.
+ Thông báo việc thay đổi, bổ sung thành viên tại cuộc họp Ban Công tác Mặt trận.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh xây dựng Đề án, tham mưu, kiến nghị với cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và chức danh Trưởng Ban Công tác Mặt trận theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ “Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng dân phố; Trưởng Ban Công tác Mặt trận”, có chế độ phụ cấp hàng tháng đối với Trưởng Ban Công tác Mặt trận như Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố đồng thời nâng mức kinh phí hoạt động của Ban Công tác Mặt trận phù hợp với điều kiện kinh tế của từng vùng, miền, địa phương. Thường xuyên duy trì, cử cán bộ Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ đảm bảo cho các thành viên của Ban Công tác Mặt trận không ngừng nâng cao phương pháp và công tác vận động quần chúng, đồng thời đủ năng lực xây dựng và triển khai chương trình phối hợp thống nhất hành động với Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố ở khu dân cư. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn đội ngũ Trưởng Ban Công tác Mặt trận hàng năm, mở rộng hình thức tổ chức hội thi Trưởng Ban Công tác Mặt trận giỏi ở các cấp, tập trung trang bị kiến thức cho Trưởng Ban Công tác Mặt trận về 4 nội dung là: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và những nội dung chủ yếu của Pháp lệnh số 34/2007 thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 84/2015/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCT UBTWMTTQ Việt Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Cùng với bồi dưỡng, tập huấn, tổ chức hội thi, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần duy trì chế độ cung cấp thông tin đối với đội ngũ Trưởng Ban Công tác Mặt trận. Cân đối kinh phí hoạt động để có thể cấp báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận... cho Trưởng Ban Công tác Mặt trận, quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng, động viên biểu dương kịp thời gương điển hình, những cống hiến của Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Về hoạt động: Nhiệm vụ và nội dung hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư theo quy định tại Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là: Trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của Hội đồng nhân dân; quyết định của Ủy ban nhân dân; chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc các cấp; thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở khu dân cư với cấp uỷ Đảng và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã; động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước. Phối hợp thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư.
Phương thức hoạt động và sự phối hợp của Ban Công tác Mặt trận cần bám sát vào đặc điểm của các khu dân cư, sát với các công việc triển khai ở khu dân cư, kết hợp chặt chẽ và thường xuyên với chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức thành viên, sự chỉ đạo của đoàn thể cấp trên. Xây dựng quy chế hoạt động của Ban Công tác Mặt trận đồng thời hàng quý, 6 tháng hoặc 1 năm xây dựng chương trình công tác cụ thể với các thành viên có mục tiêu, yêu cầu, thời gian triển khai và thời gian kết thúc. Duy trì định kỳ chế độ hội họp, sinh hoạt của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, nâng cao hiệu quả phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố, thực hiện tốt các quy chế phối hợp công tác, các kế hoạch liên tịch đã ký kết, tạo chuyển biến thực sự trong việc phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên ở khu dân cư trên mọi lĩnh vực hoạt động.
Tùy theo từng đặc điểm của các khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận cần có các biện pháp, hình thức tuyên truyền, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia các chi hội, tổ hội, các đoàn thể, hướng dẫn thành lập nhiều hình thức tổ chức tự quản theo sở thích, theo ngành nghề, như: tổ tự quản vệ sinh môi trường, tổ tự quản bảo vệ an ninh, tổ hòa giải, tổ bình đẳng giới, tổ thanh niên tình nguyện... để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong khối đoàn kết toàn dân ở khu dân cư. Duy trì mối quan hệ giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp với các Uỷ viên Uỷ ban, các cá nhân tiêu biểu và các tầng lớp nhân dân, tạo không khí sinh hoạt dân chủ, tích cực phát huy vai trò của đảng viên, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, động viên mọi tầng lớp nhân dân ở khu dân cư tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đề ra.
Phương pháp công tác của Ban Công tác Mặt trận chủ yếu là kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục, kết hợp với sự hỗ trợ của Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố, công an khu vực, lấy biểu dương, động viên là chính, đồng thời tạo dư luận xã hội để đấu tranh, phê phán những tiêu cực. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên rút kinh nghiệm qua hoạt động thực tế của các Ban Công tác Mặt trận, hàng năm tổ chức đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm chung để bồi dưỡng, động viên đội ngũ cán bộ Mặt trận nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư
Vũ Dương Châu
Trưởng ban Dân tôc, UBTƯ MTTQ Việt Nam
()