|
Đồng chí Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu - Ảnh: VGP/Thế Phong |
Cùng dự còn có các đồng chí: Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khoá IX, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng đại diện gia đình và họ tộc đồng chí Tố Hữu.
Trình bày diễn văn ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của đồng chí Tố Hữu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu, nhấn mạnh: Đồng chí Tố Hữu thuộc thế hệ những nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, tài năng, mẫu mực của Đảng và Nhà nước ta. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí gắn liền với chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng kiên cường không mệt mỏi, dấu chân đồng chí đã in lên khắp các chiến trường và mọi miền của Tổ quốc, từ thành thị đến nông thôn. Dấu ấn cống hiến đồng chí đã để lại trên khắp các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, văn hóa.
“Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong lao tù đế quốc, trên chiến trường ác liệt hay trước những nhiệm vụ mới khó khăn, phức tạp, đồng chí Tố Hữu luôn tỏ rõ là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, luôn nỗ lực hết mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”, đồng chí Lê Trường Lưu cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế trích dẫn lời của đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tại tang lễ của đồng chí Tố Hữu: “Ở mọi cương vị và mọi lĩnh vực công tác, dù được giao bất cứ nhiệm vụ gì, đồng chí Tố Hữu cũng hoàn thành xuất sắc, một lòng, một dạ tận tuỵ vì sự nghiệp cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường của người đảng viên cộng sản trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của Đảng và của nhân dân ta”.
|
Đồng chí Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham quan khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền - Ảnh: VGP/Thế Phong |
Đồng chí Lê Trường Lưu khẳng định, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Tố Hữu là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một mẫu mực tiêu biểu về đức tính trung thực, thủy chung, tình thương yêu bạn bè, đồng chí, đồng bào. Đồng chí là tấm gương cao đẹp về sự hy sinh, cống hiến trọn đời không tiếc thân mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Với những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật và nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác.
Thừa Thiên-Huế tự hào là vùng đất quê hương đã sản sinh ra người con ưu tú Tố Hữu. Đây chính là nơi khơi nguồn, bồi đắp lý tưởng và bầu nhiệt huyết cách mạng, tâm hồn và nhiệt huyết thơ ca của Tố Hữu. Chính truyền thống anh dũng, bất khuất của vùng đất này đã thổi bùng lên biết bao ngọn lửa đấu tranh chống áp bức, cường quyền dưới chế độ thực dân, phong kiến. Cũng chính từ mảnh đất này đã trui rèn và tôi luyện nên những thế hệ lãnh đạo anh tài, tinh hoa của dân tộc. Trong số những người con đã góp phần làm rạng rỡ cho truyền thống tốt đẹp của quê hương, đồng chí Tố Hữu chính là một trong những minh chứng rõ nét và sinh động nhất.
Kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng mà đồng chí Tố Hữu là một trong những người đã có công gây dựng và để lại, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế đã vững vàng, tự tin, đoàn kết một lòng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và đã cùng với cả nước làm nên những chiến công vang dội, góp phần giải phóng hoàn toàn quê hương, đất nước.
Bước vào công cuộc xây dựng đất nước, đứng trước muốn vàn khó khăn, phức tạp, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, trăn trở, tìm tòi nhằm mở ra con đường phát triển phù hợp. Từ một vùng đất đói nghèo và lạc hậu, Thừa Thiên- Huế đang ngày càng vững bước với tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển.
|
Cắt băng khánh thành Công viên Văn hóa Khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu - Ảnh: VGP/Thế Phong |
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế nhất mạnh, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Tố Hữu cũng là thời điểm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Càng vinh dự và tự hào với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, của các thế hệ lãnh đạo tiền bối, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế càng nhận thức rõ trọng trách của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Học tập và noi theo đồng chí Tố Hữu, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định luôn phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, nâng cao ý chí tự lực tự cường và sức sáng tạo, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng thành sức mạnh tinh thần và hành động; đem tất cả tâm huyết, tài năng và trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, đưa Thừa Thiên-Huế ngày càng đổi mới, hội nhập và phát triển, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4/10/1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ngay từ thuở nhỏ, sớm phải chứng kiến lầm than của nhân dân dưới chế độ thực dân, phong kiến, đồng chí đã sớm nung nấu ý chí căm thù giặc, khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương. Lúc mới 13 tuổi, đồng chí Tố Hữu đã được tiếp cận với chủ nghĩa yêu nước, cách mạng dưới sự dìu dắt, giúp đỡ của Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu - “Con lớn lên con làm cách/Anh Lưu anh Diểu dạy con đi” và sớm trở thành nhà hoạt động cách mạng kiên trung, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám giành lại chính quyền thành công ở Huế vào tháng 8/1945.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Tố Hữu đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất từ trong nhà tù thực dân đến các trận địa nguy hiễm; được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước. Đồng chí đã cống hiến trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Những cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tôn vinh.
|
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết phát hành bộ tem “Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu” - Ảnh: VGP/Thế Phong |
*Sáng cùng ngày, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Tố Hữu (04/10/1920 - 04/10/2020), tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Lễ khánh thành Công viên Văn hóa Khu lưu niệm đồng chí Tố Hữu.
Công trình được xây dựng ngay tại khu vườn mà thuở thiếu thời đồng chí Tố Hữu sinh sống (thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền), quy mô gồm nhà thờ có diện tích 70 m2; nhà trưng bày diện tích 250 m2; nhà dịch vụ có diện tích 152 m2… Công trình là tình cảm, ước nguyện thiết tha của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế nói chung và huyện Quảng Điền nói riêng.
Dịp này, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu” nhằm tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ noi gương đồng chí Tố Hữu và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, ra sức học tập, cống hiến sức lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Thế Phong/Baochinhphu.vn