Quang cảnh Hội nghị
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, những tồn tại, bất cập để kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã góp phần nâng cao vai trò của MTTQ các cấp trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung làm rõ kết quả tích cực cũng như nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp thời gian qua; đồng thời nêu ra một số nội dung, giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp với MTTQ trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; pháp huy vai trò cấp ủy các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội; tăng cường công tác phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc vận động nhân dân tích cực tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội…
Đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao những kết quả của MTTQ các cấp trong việc thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội thời gian qua. Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp đối với công tác giám sát, phản biện xã hội; ghi nhận thực tiễn triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam từ năm 2014 đến nay: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì giám sát 56.689 cuộc, nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường giải tỏa, việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà đất bị thu hồi, về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân... Hiện nay, vai trò giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ngày càng được nâng cao và đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác phản biện xã hội cũng đã đạt được những kết quả bước đầu, trong 3 năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 30.661 cuộc phản biện xã hội.
Nhìn nhận từ thực tế, đồng chí Ngô Sách Thực cho biết, việc triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp còn chưa có nhiều kinh nghiệm, do vậy quá trình thực hiện cần có sự nghiên cứu chỉ đạo, kịp thời rút kinh nghiệm, tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội... Muốn làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội thì phải biết huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhất là sự vào cuộc của các tổ chức thành viên, thành viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp, những giải pháp tích cực đã được các đại biểu nêu ra tại buổi tọa đàm. Đồng chí đề nghị MTTQ các cấp chủ động tham mưu, đề xuất và tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc hỗ trợ MTTQ thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp.
Phương Hà