Nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

(Mặt trận) - Ngày 29/7, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã tham dự buổi toạ đàm “Nâng cao chất lượng 107 điểm chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Buổi tọa đàm do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ tổ chức.

 Quang cảnh buổi toạ đàm.

Nhân rộng các mô hình cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Cuộc vận động này đã kế thừa và phát huy những thành quả sau 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Sau khi được triển khai từ năm 2015 đến nay, toàn bộ hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp đã hưởng ứng tích cực và triển khai Cuộc vận động đồng bộ đến các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân; triển khai cả chiều rộng, đồng thời chọn điểm chỉ đạo của mỗi cấp để quán triệt thực hiện theo chiều sâu. Đến nay, các nội dung của Cuộc vận động đã được thực hiện sôi nổi, rộng khắp trong quần chúng nhân dân trên địa bàn dân cư và trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cuộc vận động đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân, cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở từng địa bàn KDC; đã khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua hình thức tự quản ở cơ sở, tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh… Đến cuối năm 2016, thành phố Cần Thơ đã có 19/36 xã được công nhận “Xã nông thôn mới”, huyện Phong Điền được công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố từ 9,64% (năm 2000) đến đầu năm 2017 giảm còn 3,21% (theo tiêu chí mới), thành phố phấn đấu cuối năm 2017 sẽ giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,75%, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Trong tổng số 148 mô hình toàn thành phố, có 25 mô hình về giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; 41 mô hình về vận động nhân dân tham gia cải tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; 20 mô hình về vệ sinh môi trường; 18 mô hình về giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông; 11 mô hình về xây dựng nâng cấp lộ giao thông nông thôn; 11 mô hình về xây dựng văn minh đô thị; 11 mô hình về công tác an sinh xã hội, xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; 6 mô hình về xây dựng tổ hợp tác nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Hợp tác xã sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap, xây dựng Hợp tác xã phát triển kinh tế tập thể; 3 mô hình về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Ông Phạm Văn Hậu, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Phụng Lợi, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Thực hiện Cuộc vận động, ấp đã xây dựng mô hình điểm “Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình và xử lý chất thải chăn nuôi”. Qua đó vận động được 40 hộ đăng ký thường xuyên thu gom rác tuyến Quốc lộ 80. Vận động hộ dân các tuyến còn lại trong KDC phân loại xử lý rác thải sinh hoạt gia đình, vận động các hộ gia đình chăn nuôi xử lý chất thải, lắp đặt Bioga và thu gom; vận động nhân dân làm vỉa hè với chiều dài 1,7km; phối hợp với lực lượng chức năng vận động giải toả hành lang lộ giới với chiều dài 2,5km… Nhìn chung người dân hăng hái tham gia tích cực Cuộc vận động. 

Mặt trận cần chủ động lên kế hoạch thực hiện Cuộc vận động

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ cho rằng, thời gian tới: Cần tích cực phát huy vai trò, chủ động của hệ thống Mặt trận các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc tổ chức, vận động nhân dân xây dựng và thực hiện mô hình điểm Cuộc vận động; khẳng định, làm rõ cơ chế phối hợp công tác với các sở, ban, ngành các cấp và hiệp thương phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp thực hiện Cuộc vận động, những vấn đề cần đề xuất về cơ chế, đảm bảo thông thoáng và rõ ràng trong thực hiện. Nghiêm túc rút kinh nghiệm từ thực tiễn trong việc triển khai chọn điểm chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động trong thời gian qua; tiếp tục đề xuất những giải pháp để nâng cao vai trò của hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhìn nhận: Qua báo cáo và các bài tham luận của các địa phương, thấy được tinh thần và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị TP. Cần Thơ chung tay thực hiện Cuộc vận động. Các mô hình, cách làm của hệ thống Mặt trận cơ sở cho thấy khá chu đáo và khoa học. Từng bước đưa cuộc vận động vào cuộc sống thông qua các mô hình cụ thể; thể hiện đúng tinh thần và phương châm của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề ra.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng: Trong các tham luận tại buổi toạ đàm, nổi lên băn khăn của một số địa phương, trong thực hiện công tác tuyên truyền còn nhiều lúng túng, chưa xác định được nội dung và hình thức tuyên truyền cụ thể. Về điều này, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh chỉ rõ: Thông tri số 10 của UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng xác định rất rõ về nhiệm vụ và hình thức tuyên truyền. Hình thức phổ biến nhất là thông quá báo đài, phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi sinh hoạt họp dân, tổ chức cho bà con đăng ký thực hiện Cuộc vận động; biểu dương khen thưởng những cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực trong quá trình thực hiện cuộc vận động…

Ngoài ra, các địa phương và KDC còn quan tâm tới vấn đề kinh phí để thực hiện Cuộc vận động. Hiện nay chúng ta đang thực hiện kinh phí theo cơ chế của cũ của Thông tư liên tịch 144. Thời gian qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đang đề xuất với Bộ Tài chính ban hành Thông tư mới hướng dẫn chế độ kinh phí cho việc thực hiện Cuộc vận động mới trong thời gian tới…

Ghi nhận những kết quả đạt được trong quá trình triển khai và thực hiện Cuộc vận động, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn hoan nghênh tinh thần, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và đại diện các điểm chỉ đạo, các mô hình và biểu dương 107 điểm chỉ đạo Cuộc vận động. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng: Làm công tác Mặt trận hàng chục năm qua, chưa cuộc vận động nào lại đón nhận được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cụ thể, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 10 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động và Nghị quyết liên tịch của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ về thực hiện Cuộc vận động. Sự quan tâm đã có, quan trọng là người đứng đầu mặt trận các cấp cần phải quan hệ chặt chẽ với UBND, Đảng uỷ, lên kế hoạch triển khai và thực hiện Cuộc vận động, lên kế hoạch kinh phí hoạt động, lên kế hoạch về việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện sao cho hợp lý.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi toạ đàm

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng: Muốn thực hiện Cuộc vận động tốt không phải đơn phương Mặt trận làm được, mà cần có sự phối hợp các ngành, các cấp, tổ chức thành viên các địa phương. Qua hơn một năm thực hiện, Cuộc vận động đã góp phần làm cho kinh tế TP. Cần Thơ phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm, xây dựng đời sống văn hoá có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị xã hội đảm bảo. Cuộc vận động đã xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới, mô hình mới mà chúng ta cần phải đầu tư, nghiên cứu nhân rộng ra một cách bền vững, vững chắc. Mục tiêu cuối cùng của Cuộc vận động là nâng cao trình độ học vấn cho người dân; thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo.  

 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, thời gian tới, tiếp tục đoàn kết tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân ở thành thị cũng như nông thôn, làm giàu chính đáng, làm sao Mặt trận,  các đoàn thể chính trị, phát động hội viên, đoàn viên tích cực sản xuất kinh doanh hiệu quả bền vững. Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá, chăm lo sự nghiệp phát triển giáo dục, chăm lo sức khoẻ nhân dân, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái. Làm sao giáo dục là chiều khoá để người dân Cần Thơ thoát nghèo một cách bền vững.

Quan tâm đoàn kết bảo vệ môi trường, làm sao thường xuyên duy trì, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp. Đoàn kết chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo ANTT, ATXH. Phát huy dân chủ tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng TP. Cần Thơ

Dịp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng tặng 103 phần quà, mỗi phần trị giá 700 ngàn đồng, cho con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết: Những ngày qua, các địa phương trong đó có Cần Thơ, tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Có thể nói, năm nay kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ diễn ra nhiều hoạt động, quy mô. Những món quà nhỏ này hi vọng là nguồn động viên cho các gia đình, các cháu phấn đấu học tập, vươn lên trong cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn…

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trao đổi với các đại biểu bên lề buổi toạ đàm.

Thực hiện Cuộc vận động góp phần thực hiện xây dựng Huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Ông Nguyễn Quang Nghị, Bí thư Huyện uỷ Phong Điền nhìn nhận: Nhìn chung, việc triển khai Cuộc vận động trên địa bàn huyện còn chưa đồng đều, công tác tuyên truyền nhiều nơi chưa thực sự đi vào chiều sâu. Hiện Văn phòng điều phối Trung ương Xây dựng nông thôn mới, dự kiến xây dựng xã Mỹ Khánh là xã nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới huyện Phong Điền sẽ phát huy tối đa Cuộc vận động, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ mà Thành uỷ đề ra, vừa góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu Phong Điền.

Gắn kết Cuộc vận động với các phong trào của địa phương


Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều rút ra một số kinh nghiệm: Để thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đòi hỏi sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị. Nội dung, phương pháp tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động phải luôn đổi mới. Trong thực hiện Cuộc vận động, phải quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân. Gắn kết Cuộc vận động với các phong trào hoạt động khác của địa phương…  

Quốc Trung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều