Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực pháp lý các quy định điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; đồng thời khắc phục các quy định bất cập, hạn chế của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007. Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 gồm 07 chương, 53 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.
Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và thảo luận trực tuyến về nội dung này.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đọc Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đọc Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 61/142 điều, sửa kỹ thuật 09/142 điều, bổ sung mới 03 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Phần lớn thời gian phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thảo luận trực tuyến về nội dung này.
Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, biểu quyết gồm 03 điều (quy định việc sửa đổi, bổ sung 49 điều của Luật hiện hành). Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ chưa sửa đổi toàn diện Luật này, mà chỉ mở rộng sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung thực sự có vướng mắc, bất cập.
Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo TTXVN/Báo Tin tức