Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Ninh Thuận.
Quang cảnh buổi làm việc.
Đoàn kết một lòng
Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có hình thể giống như một hình bình hành, khi gió mùa Tây Nam mang mưa vào Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên, thì hệ thống núi ở Tây Nguyên, Bình Thuận đã làm cho những cơn gió mùa Tây Nam này không đến được Ninh Thuận. Cũng như cơn gió mùa Đông Bắc, cơn gió mùa Tây Nam vào Ninh Thuận cũng bị tù túng. Cho nên trong khi nó mang mưa đến các vùng trong nước nhưng vào Ninh Thuận thì biến thành khô hanh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận.
Khi đoàn công tác do Chủ tịch Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đến thăm thôn Ấn Đạt, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc để tặng 5 nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo thuộc xã Lợi Hải, hàng trăm đồng bào dân tộc, chủ yếu là người dân tộc Raglai đã chào đón người đứng đầu Mặt trận trong tình cảm nồng ấm.
“Biết tin Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thăm, người dân ai cũng muốn đến để được gặp ông Chủ tịch một lần”, bà Phan Thị Kim Thoa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Ấn Đạt chia sẻ.
Xúc động trước tình cảm ấm áp này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào dân tộc. Ngay cả đội ngũ cán bộ trong hệ thống MTTQ Việt Nam có rất nhiều người là con em của đồng bào dân tộc. Để thấy sự gắn bó của Mặt trận với công tác dân tộc và cũng bởi công tác dân tộc luôn nằm trong công tác của Mặt trận, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận.
Ông Lê Hữu Phú, Chủ tịch UBMTTQ xã Lợi Hải, người vừa tái cử trong kỳ Đại hội MTTQ xã Lợi Hải nhiệm kỳ 2019- 2024 cho biết, Lợi Hải chỉ có một mùa mưa vào tháng 10, nhưng không phải ngày nào cũng có mưa. Trong đó, thôn Ấn Đạt dù là một thôn trung tâm của xã Lợi Hải nhưng đời sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Thôn có 670 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu thì tỉ lệ hộ nghèo đã chiếm hơn một nửa. Ấn Đạt cũng như nhiều thôn của Lợi Hải không có nền kinh tế chủ lực để thoát nghèo, làm giàu, nếu có là việc phát triển nuôi dê, cừu, bò nhưng người nông dân vẫn loay hoay tìm đầu ra, trong khi giá thu mua lại rất thấp.
“Nhiệm kỳ này, chúng tôi đặt ra quyết tâm phải tìm những phương cách tốt hơn để giúp bà con thoát nghèo”, ông Phú khẳng định.
Thực tế, trong những năm qua, nguồn lực dành cho vùng đồng bào dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng để những nơi đây thoát nghèo, vươn lên. Tuy nhiên, nhắc tới vùng đồng bào dân tộc vẫn là nhắc tới những gian khó khi mà hầu hết vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
34 đồng bào dân tộc sinh sống trên vùng đất Ninh Thuận cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng ở một nơi khó khăn như vậy, Ninh Thuận đã có 27/47 xã hoàn thành nông thôn mới. Thành quả này có được là nhờ vào sự đồng thuận, đoàn kết một lòng từ đồng bào các dân tộc và đồng bào các tôn giáo luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết không nghe theo sự kích động của các đối tượng cực đoan chống phá.
Vượt qua khó khăn về điều kiện tự nhiên, Ninh Thuận đã tận dụng khí hậu nắng nóng quanh năm để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù có năng suất, chất lượng cao với quy mô, diện tích lớn và sản xuất được quanh năm. Đặc biệt, với lợi thế nằm trong tam giác du lịch trọng điểm Đà Lạt - Nha Trang và Mũi Né (Bình Thuận), Ninh Thuận được xác định là một trong những trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để thực hiện được những mục tiêu này không thể thiếu vai trò của người làm công tác Mặt trận tỉnh Ninh Thuận.
Vượt lên gian khó
Theo ông Phan Hữu Đức, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Ninh Thuận, với tình hình thời tiết khô hạn, diễn biến khó lường, thiếu nước sản xuất, đàn gia súc suy kiệt do thiếu thức ăn và nước uống, dẫn đến nguy cơ thiếu đói tại một số địa phương. Cùng với đó là tiến độ thu mua và giá cả đầu ra một số mặt hàng nông sản, gia súc gia cầm thiếu sự ổn định.
Chính vì vậy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh thông qua lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình có con em là thanh niên, học sinh, sinh viên cam kết giáo dục để con em mình đấu tranh phản bác lại những thông tin sai lệch về nhân quyền, tôn giáo, dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước, từ đó hướng nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương và áp dụng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sinh kế lâu dài cho bà con.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trò chuyện với bà con xã Lợi Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Đặc biệt với Đề án 406/ĐA “Hỗ trợ đồng bào nghèo Bác Ái thoát nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020 và Chương trình hỗ trợ bò cái giống giúp người nghèo trong toàn tỉnh đã mang đến 1.000 con bò cái giống cho các hộ nghèo, tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm bò sinh sản cho 750 hộ dân thụ hưởng đề án.
Xuất phát từ niềm tin của nhân dân với đảng bộ, chính quyền và MTTQ Việt Nam các cấp trên toàn tỉnh, ông Phan Hữu Đức cũng cho biết, công tác tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp đã nhận được sự đồng thuận và sự vào cuộc của toàn bộ đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên toàn tỉnh.
Ông Phan Hữu Đức cho biết, tính đến ngày 30/1/2019, 100% xã, phường, thị trấn đã tổ chức xong Đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã nhiệm kỳ 2019-2024. Đại hội đã hiệp thương cử 2.269 Ủy viên Ủy ban, trong đó nữ có 676 vị, đại biểu dân tộc là 645 vị, ngoài Đảng 708 vị, 65 Chủ tịch MTTQ cấp xã là cấp ủy viên cùng cấp, có 48 Chủ tịch và 54 Phó Chủ tịch tái cử.
Từ thành công của Đại hội MTTQ cấp xã, phường, thị trấn, Đại hội MTTQ Việt Nam cấp, huyện thành phố sẽ hoàn thành trước ngày 26/4/2019 và Đại hội MTTQ Việt Nam cấp tỉnh sẽ được tổ chức vào đầu tháng 7/2019.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, đánh giá cao vai trò của cán bộ Mặt trận các cấp tỉnh Ninh Thuận trong việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, đồng hành cùng đồng bào vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Đức Thanh chia sẻ: “Cứ nghe tới việc gì có sự vào cuộc của Mặt trận là nhân dân rất tin”.
Khẳng định điều này, ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng, việc cán bộ Mặt trận đã chủ động xuống với đồng bào, vận động đồng bào chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Ninh Thuận đã giúp người dân vững tin và quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Tăng cường đội ngũ cán bộ Mặt trận là người dân tộc
Chủ tịch Trần Thanh Mãn thăm làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận.
Những năm qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng như các đồng chí trong Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã dành thời gian để đi tới những vùng gian khó vừa thăm hỏi, sẻ chia, vừa lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con đồng bào dân tộc đồng thời cũng đưa ra những kiến nghị, giải pháp cùng địa phương khắc phục, vượt lên khó khăn. Từ đó, góp phần kiến nghị, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ ngày càng hoàn thiện hơn nữa chính sách cho đồng bào dân tộc.
Tinh thần này cũng được Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhắc lại với đội ngũ làm công tác Mặt trận của tỉnh Ninh Thuận.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận các cấp Ninh Thuận cần triển khai rộng khắp cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tới đồng bào dân tộc gắn với việc vận động đồng bào tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung sản xuất kinh doanh.
Khẳng định chìa khóa giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo là phải nâng cao trình độ học vấn, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Mặt trận cần phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo để vận động con em đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, khắc phục khó khăn, chăm chỉ đến trường, coi kiến thức là hành trang giúp gia đình vươn lên thoát nghèo.
Năm 2019 là năm tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn MTTQ các cấp tỉnh Ninh Thuận cần lựa chọn nhân sự đảm bảo tính đại diện, tính tiêu biểu từ các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo.
“Chọn việc để làm, phải thuộc bài, đúng vai, làm tới đâu, có kết quả tới đó”, khẳng định điều này, người đứng đầu MTTQ Việt Nam mong muốn đội ngũ cán bộ Mặt trận tỉnh Ninh Thuận phải là những người sâu sát trong công việc, không ngại gian nan, không lúng túng trong xử lý tình huống.
Chính vì vậy nhân sự chuẩn bị cho đại hội phải đảm bảo cơ cấu, đặc biệt phải lưu ý tới đội ngũ ngoài Đảng, đội ngũ cán bộ là người dân tộc để mỗi cán bộ bám sát nhiệm vụ, hiệu quả công việc năm sau cao hơn năm trước.
Trước đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác cũng đã tới thăm và tặng quà cho các em học sinh nghèo Trường Tiểu học Lợi Hải, thăm và tặng quà gia đình ông Đinh Thành Hiệp, là người có công với cách mạng ở thôn Kiền Kiền, xã Lợi Hải. Đoàn công tác cũng đã tới thăm Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Một số hình ảnh của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác tại tỉnh Ninh Thuận:
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm và tặng quà gia đình ông Đinh Thành Hiệp ở thôn Kiền Kiền, xã Lợi Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo tại xã Lợi Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao quà cho các em học sinh nghèo tại trường tiểu học Lợi Hải, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Hương Diệp