Những đối tượng nào trong nhóm tăng tuổi nghỉ hưu?

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, Bộ còn có phương án thứ 3 trong việc nâng tuổi nghỉ hưu. Đề xuất này cũng sẽ tính đến đặc trưng của từng ngành nghề.

Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vẫn tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Lao động, trong đó đáng chú ý là nội dung nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nam lên 62 tuổi và của nữ lên 60 tuổi, bắt đầu thực hiện lộ trình từ năm 2021.

 Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nói về đề xuất nâng độ tuổi nghỉ hưu

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho rằng đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trước hết, quy định về độ tuổi nghỉ hưu 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữa đã được áp dụng từ năm 1961, tính đến nay đã hơn 50 năm nhưng vẫn chưa có bất cứ điều chỉnh nào.

Trong khi đó, các nước trên thế giới đều đang hướng tới tăng dần độ tuổi nghỉ hưu, nhiều nước quy định độ tuổi này từ 65-67 tuổi. 

“Chúng ta mong muốn thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, đây cũng là nội dung trong công ước CEDAW về không phân biệt đối xử với phụ nữ”, ông Diệp cho hay.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết, nhiều tính toán của các tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới đều kiến nghị Việt Nam cần tăng độ tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân bằng quỹ BHXH trong dài hạn. 

Như vậy, dự thảo luật đang đưa ra phương án độ tuổi nghỉ hưu mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi sẽ dừng lại, nhưng về lâu dài, sẽ hướng tới tăng dần lên tuổi 65.

Ngoài ra, ông Doãn Mậu Diệp cho hay Bộ vẫn còn phương án khác là tăng dần độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để tránh những cú sốc trong thị trường lao động.

Trước những băn khoăn về tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh hiện nay vẫn rất cao, nếu tăng độ tuổi nghỉ hưu có khả năng làm giảm cơ hội việc làm của nhóm này, ông Diệp cho rằng, dân số Việt Nam đang bước vào quá trình già hóa, tốc độ già hóa dân số nhanh, số người rời khỏi lực lượng lao động xấp xỉ bằng số người  bước vào độ tuổi lao động. 

“Câu chuyện nâng dần tuổi nghỉ hưu là không tránh khỏi đối với mọi quốc gia, nâng chậm quá thì sẽ phá sản như Hy Lạp, do vậy, cải cách nâng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình và bắt đầu sớm, không để rơi vào tình trạng như các nước khác. Nếu như trước đây mỗi năm nước ta có 1,5-1,7 triệu người tham gia vào thị trường lao động, thì đến nay con số này chỉ còn khoảng 800.000 – 900.000 người”, ông Diệp phân tích. 

Có phương án tăng riêng cho từng nhóm ngành?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong dự kiến Bộ LĐ-TB-XH cũng đã tính đến việc có các mức khác nhau về tăng tuổi nghỉ hưu giữa các nhóm ngành sao cho mức chênh lệch không quá 5 năm. 

“Chúng ta vẫn công bố những ngành nghề nặng nhọc, độc hại mà đến độ tuổi nào đó người lao động không còn phù hợp làm việc thì tuổi nghỉ hưu có thể sớm hơn. Những ngành nghề đòi hỏi lao động chất lượng cao, những chuyên gia giỏi thì có thể nâng tuổi nghỉ hưu nhiều hơn. Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành trong việc đánh giá lao động chất lượng cao”, ông Diệp cho biết.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, Việt Nam đang đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Trong tương lai, những ngành lao động chân tay sẽ bị robot thay thế. Thực tế hiện nay, cũng đã xảy ra tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi tại các doanh nghiệp. 

“Với những ngành nghề sử dụng lao động chân tay thu nhập thấp, đến một độ tuổi nào đó họ không làm việc được, liệu có thể có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội, tiền lương để họ duy trì việc làm? Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đang kết dư 60.000 tỷ, nếu như chúng ta hỗ trợ cho các lao động chân tay dễ bị sa thải sau độ tuổi 35-40 khoảng 500.000 đồng/tháng, 1 lao động cần hỗ trợ 6 triệu đồng/ năm. Như vậy, chỉ cần 300 tỷ là nửa triệu lao động không mất việc làm”, ông Diệp nói.

Bên cạnh đó, chính sách về BHXH cũng sẽ có những điều chỉnh phù hợp để khoảng cách về tiền lương hưu không quá lớn, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ. 

Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: "Việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình xây dựng hoàn thiện pháp luật. Từ năm 2007, trong khi bàn về Luật Bình đẳng giới, Luật Lao động sửa đổi năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tất cả các lần đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động đều được đưa ra bàn thảo nhưng đến phút cuối đều không được Quốc hội Quốc nhất trí. Điều đó cho thấy đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc một cách thận trọng".

Ông Quảng nhấn mạnh, hiện nay mỗi năm nước ta có khoảng gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn rất cao, chính sách lao động đang chuyển dần từ thâm dụng lao động sang phát triển theo chiều sâu.

Đây là những yếu tố cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo bài toán cân đối, hài hòa lợi ích cho người lao động.

Theo VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều