|
Quang cảnh Hội thảo |
Dự và chủ trì hội thảo có Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Tham dự Hội thảo có ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các cơ sở đào tạo trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân…
|
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tiến trình đổi mới của đất nước, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức và chỉ đạo thực tiễn, phát triển và hoàn thiện tư duy lý luận về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia phù hợp với thực tiễn khách quan, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ quan niệm về an ninh quốc gia một cách đơn giản, chủ yếu nhìn nhận dưới góc độ an ninh truyền thống, hiện nay chúng ta đã tiếp cận an ninh quốc gia một cách toàn diện, an ninh tổng hợp. Quan tâm đúng mức đến những vấn đề an ninh phi truyền thống trong đó chú trọng đến vấn đề an ninh con người, an ninh xã hội, nhiều chiều, khía cạnh an ninh mới như an ninh kinh tế, an ninh nguồn nước và đặc biệt hiện nay là an ninh mạng.
Nhấn mạnh ý nghĩa, yêu cầu đặc biệt quan trọng của vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia được thể hiện nhất quán và nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII trên 3 phương diện: chủ động, kiên quyết, kiên trì về phương châm, kế sách, từ đó là tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; vững chắc nền tảng, cội nguồn sức mạnh với quan điểm “dân là gốc”; toàn diện về phương thức, biện pháp huy động nguồn lực trong đó phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, cả hệ thống chính trị.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, thời gian tới, phải thống nhất về nhận thức bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân; phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp là phương thức quan trọng hàng đầu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Các lực lượng vũ trang cần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân, tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của Nhân dân. Chủ động nắm bắt, nghiên cứu, phân tích, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực và trong nước, không để bị động, bất ngờ.
Tiếp tục bổ sung, phát triển hoàn thiện lý luận về an ninh quốc gia, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia và các nghiệp vụ quốc phòng, an ninh làm cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách, đường lối quốc phòng, an ninh, đối ngoại sát hợp và hiệu quả.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung xoay quanh chủ đề “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới”. Ban tổ chức Hội thảo đã lựa chọn, biên tập 100 bài viết đưa vào kỷ yếu ở 4 nội dung: Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới; Phát huy các nguồn lực bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới; Vị trí, vai trò và những đóng góp của lực lượng CAND trong bảo vệ an ninh quốc gia; Nhiệm vụ và giải pháp phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.
|
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội thảo |
Tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, thực tiễn đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất quản lý của Nhà nước và sức mạnh của toàn dân, cả hệ thống chính trị và đoàn kết toàn dân tộc là nguyên tắc cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia.
Đảng luôn có sự năng động, đổi mới tư duy trong lãnh đạo, cách nghĩ, cách làm cụ thể, luôn gắn bó lý luận với thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để đánh giá kết quả; kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quý báu trong nước và thế giới để chủ động phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, gắn nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia cùng với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và đối ngoại.
Đề cập đến vai trò của nhân dân tham gia xây dựng nền an ninh, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”, Bộ trưởng Tô Lâm nhắc tới vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia là CAND và Quân đội nhân dân, đặc biệt trong đó vai trò “gương mẫu đi đầu” trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; thể hiện sự trung thành tuyệt đối với Đảng, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh, gian khổ vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng điểm lại một số giải pháp, nhiệm vụ phát huy sức mạnh của toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình hiện nay. Đó là: Coi trọng xây dựng chỉnh đốn đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; đổi mới, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp; phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã hội xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia. Đề xuất giải pháp tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; giải pháp về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; xây dựng lực lượng CAND, Quân đội nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…
Với lực lượng CAND, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, hiện nay lực lượng CAND đang tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện có hiệu quả những điểm mới về an ninh quốc gia nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Mỗi cán bộ, chiến sỹ cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của lực lượng CAND, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân”; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Thực hiện “gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”, nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, “khi dân cần, khi dân khó, có Công an”. Quán triệt nghiêm túc lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất” để lực lượng CAND là “thanh bảo kiếm” sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân; sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Hương Diệp