Dự lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng hơn 170 đại biểu trí thức trẻ ở trong nước và 16 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Diễn đàn theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
“Cơ hội vàng” rút ngắn quá trình công nghiệp hóa
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Diễn đàn |
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Xuyên suốt tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương tôn trọng, phát huy vai trò của đội ngũ tri thức. Đất nước sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; văn hóa xã hội có bước phát triển; hạ tầng kinh tế xã hội đất nước và đời sống của nhân dân ta được nâng lên; dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
"Những thành tựu quan trọng đạt được của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là những năm gần đây là tổng hòa của nhiều yếu tố, lĩnh vực trong đó phải kể đến sự “góp sức” của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước để tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính phủ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với 3 trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa đại biểu tham dự Diễn đàn |
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cốt lõi là chuyển đổi số đã tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra thời cơ và thách thức lớn đối với mọi quốc gia, dân tộc. Đặc biệt trong bối cảnh chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chuyển đổi số chính là chìa khóa để các quốc gia vượt qua những khó khăn, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại, là yếu tố quan trọng để đất nước ta thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số còn mở ra cho chúng ta “cơ hội vàng” trong việc rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, phát triển lên công nghệ cao hơn; là cơ hội để tận dụng lợi thế “dân số vàng”, qua đó nâng cao trình độ nguồn nhân lực, năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững và thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.” Chủ tịch Đỗ Văn Chiến chia sẻ và khẳng định trong bối cảnh đó, Chính phủ luôn cần sự đóng góp trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ trí thức trẻ.
Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, nói đến công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối toàn cầu chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những tri thức trẻ, người trẻ và sức trẻ. Đây là một lợi thế, một thế mạnh đồng thời cũng là niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho thế hệ trẻ.
Đánh giá cao Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc chọn chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định với 4 nội dung trọng tâm của diễn đàn năm 2021 là nghiên cứu và sáng tạo; ứng dụng và chuyển giao; kết nối và phát triển, những nội dung đó đi đúng vào những vấn đề đặt ra trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới; đồng thời tin tưởng với sự tham gia của gần 180 đại biểu trí thức trẻ, lĩnh vực chuyên môn đa dạng, đang công tác, học tập tại 17 quốc gia, diễn đàn sẽ được tổ chức thành công, chất lượng, hiệu quả.
“Đề nghị các trí thức trẻ phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tích cực đóng góp, đưa ra những ý tưởng, đề xuất về cơ chế, chính sách, nguồn lực góp phần cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 nói riêng và các mục tiêu phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, trở thành nước phát triển, thu nhập cao đến năm 2045 nói chung.” Chủ tịch Đỗ Văn Chiến kỳ vọng đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn trân trọng những ý tưởng, giải pháp, kiến nghị của các trí thức trẻ và sẽ nghiên cứu, tiếp thu thể chế hóa thành những chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước.
Khuyến khích trí thức trẻ đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước
|
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương phát biểu tại Diễn đàn |
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021 diễn ra trong hai ngày 25-26/11, do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức với sự phối hợp, hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan.
Được khởi xướng từ năm 2018, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là sự kiện thường niên với mong muốn để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống, làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò, khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ người Việt trong công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu.
Đây cũng là cơ hội đề xuất cơ chế phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước; đề xuất các sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tạo kênh tham vấn để Chính phủ và các cơ quan chức năng đặt hàng trí thức trẻ về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển đất nước.
Các đại biểu chính thức tham dự Diễn đàn lần này có độ tuổi không quá 35, có quốc tịch Việt Nam (hoặc gốc Việt Nam), đến từ Việt Nam và 16 quốc gia, vùng lãnh thổ; có các nghiên cứu, các giải pháp, sáng kiến hoặc kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với các nội dung của Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp tập trung vào 4 nhóm nội dung chính: Khơi nguồn sáng tạo; Ứng dụng và Chuyển giao; Kết nối trí thức trẻ phát triển nền kinh tế số, nhân lực số quốc gia; Phát triển và thương mại hóa các giải pháp chuyển đổi số.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, đây là các nhóm chủ đề mang tính thời sự, cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội, bối cảnh thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của nước ta, đòi hỏi cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững. Trung ương Đoàn và Ban Tổ chức Diễn đàn hy vọng sẽ đón nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu về các sáng kiến, giải pháp nhằm định hướng công cuộc chuyển giao tri thức, công nghệ của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu theo các mục tiểu đổi mới, phát triển đất nước.
Theo dự kiến, kết thúc Diễn đàn, các đại biểu sẽ thông qua Báo cáo đề xuất, khuyến nghị của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV; hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học trực thuộc Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; công bố các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học của các nhóm nghiên cứu được đặt hàng bởi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp…
Hương Diệp - ảnh Minh Đức/TTXVN