|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp.
Trình bày báo cáo của Thường trực Tiểu ban, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, từ sau Phiên họp thứ nhất đến nay, Tiểu ban đã trực tiếp nghiên cứu, tham mưu cho Hội đồng bầu cử Quốc gia ban hành 32 văn bản trả lời, hướng dẫn về công tác bầu cử. Dự kiến, trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử (23/5), Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền tập trung tham mưu cho Hội đồng Bầu cử quốc gia kịp thời ban hành văn bản trả lời, hướng dẫn địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện công tác tổ chức bầu cử theo phân công; cử thành viên tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát bầu cử; tham mưu trả lời, hướng dẫn các vướng mắc, đề xuất của địa phương trong công tác bầu cử.
Đồng thời, Tiểu ban phối hợp với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức họp báo để công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội; phối hợp với các cơ quan hữu quan chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai công tác thông tin để tuyên truyền trực tiếp đến người dân về cuộc bầu cử; chú trọng việc tổ chức tuyên truyền trực quan, thông qua các sự kiện văn nghệ, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền miệng, qua việc động viên đông đảo cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử...
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Báo cáo về công tác tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, lượng tin, bài tuyên truyền về hoạt động bầu cử tăng mạnh từ 10.000 đến 17.000 tin, bài chỉ trong vòng 10 ngày gần đây. Ông Hoàng Vĩnh Bảo cho hay, hằng tuần, Bộ Thông tin và Truyền thông đều tổ chức giao ban với các cơ quan báo chí để định hướng công tác tuyên truyền về bầu cử và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời đề nghị các địa phương trên cả nước tăng cường thời lượng phản ánh về hoạt động bầu cử lên gấp 2 lần so với trước đây và phải chọn thời điểm hiệu quả nhất trong ngày để truyền tải thông tin. Mỗi tuần, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành rà soát việc thực hiện của các cơ quan báo chí để có đánh giá, nhận xét cụ thể.
Về việc quản lý các thông tin trên mạng xã hội, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, Bộ đã thành lập bộ phận đánh giá, theo dõi và xử lý những thông tin trên không gian này. Theo đó, có gần 15.000 bài viết liên quan đến hoạt động bầu cử với gần 9 triệu người truy cập, trong đó có 1,8% thông tin mang tính tiêu cực. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối với với các nhà mạng tiến hành xử lý, gỡ bỏ những thông tin xấu, độc, tránh để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã hoàn thành lớp tập huấn về công tác tuyên truyền về hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cho 500 phóng viên, nhà báo trên toàn quốc, đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí kịp thời đăng tải cũng như tăng cường thời lượng tuyên truyền về công tác bầu cử.
Các thành viên của Tiểu ban cho rằng, công tác tuyên truyền cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trước, trong và sau bầu cử. Một trong những lưu ý để hoạt động bầu cử đem lại kết quả cao là các cơ quan thông tấn, báo chí phải nắm được tâm lý của nhân dân, nhất là cần đưa thông tin về công tác này về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hình thức phù hợp.
Bên cạnh việc khơi dậy tinh thần gương mẫu của công dân khi tham gia bầu cử, các thành viên cũng cho rằng, trong công tác truyên truyền cần lưu ý, phát huy vai trò của những người có uy tín, tính đặc thù như các chức sắc trong tôn giáo; đồng thời chú ý đến những khu vực có đông cử tri nhưng đời sống khá phức tạp như khu công nghiệp, khu chế xuất...
Lãnh đạo các cơ quan báo chí chính thống cho biết, luôn bám sát chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, từ đó đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác bầu cử rất cụ thể, bài bản và đang thực hiện có hiệu quả cao. Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang cho biết, Hãng Thông tấn Quốc gia luôn có điểm mạnh là hệ thống cơ quan thường trú rộng khắp trong và ngoài nước, nên thông tin tuyên truyền về hoạt động bầu cử rất đậm nét và phong phú. Theo bà Vũ Việt Trang, thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam đã cử phóng viên tham dự đầy đủ các lớp tập huấn về công tác bầu cử do các cơ quan chức năng tổ chức; đồng thời tổ chức tập huấn trực tuyến với 63 điểm cầu là các cơ quan thường trú trong nước, để phổ biến cho phóng viên những kiến thức cần thiết về hoạt động bầu cử, những điểm mới cần lưu ý trong công tác tổ chức năm nay.
"Ngay sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng kết thúc, Thông tấn xã Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thông tin tập trung tổ chức nhiều tuyến thông tin với nhiều hình thức đa dạng thu hút bạn đọc; xây dựng trang thông tin về bầu cử với nhiều thứ tiếng, gồm các ngôn ngữ quốc tế và tiếng dân tộc", bà Vũ Việt Trang cho biết.
Bên cạnh đó, Thông tấn xã Việt Nam cũng đã tập hợp đầy đủ tư liệu, thông tin về Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội các khóa... Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang đề xuất, để công tác thông tin được hiệu quả và đa dạng, các cơ quan chức năng tạo điều kiện, cung cấp sớm danh sách trích ngang về thông tin của các ứng viên, vì đó sẽ là những câu chuyện cụ thể, thiết thực nhất mà bạn đọc rất quan tâm...
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao công tác triển khai nhiệm vụ của Tiểu ban kể từ sau Phiên họp thứ nhất đến nay. Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn công tác bầu cử rất kịp thời, đúng trách nhiệm, đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Hướng tới ngày bầu cử, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tập trung trả lời, hướng dẫn các vướng mắc, đề xuất trong công tác bầu cử nếu có. Công tác thông tin, tuyên truyền cần đa dạng hóa các hình thức thông tin, phù hợp với từng địa phương và khu vực; tăng cường các nội dung, sôi nổi hơn, tránh cứng nhắc trong tuyên truyền để gần gũi với cuộc sống cử tri và nhân dân. Tiểu ban cần thực hiện tốt các công việc như kế hoạch đã đề ra; phối hợp chặt chẽ để chia sẻ thông tin nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện đối với các cơ quan báo đài, kịp thời phản biện những thông tin trái chiều, không đúng với tinh thần cuộc bầu cử...
Theo Đỗ Bình (TTXVN)