Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy và đoàn công tác khảo sát sạt lở tại huyện Phụng Hiệp.
Tại các điểm khảo sát, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy thăm hỏi người dân các khu vực chịu ảnh hưởng của sạt lở đồng thời trao đổi với lãnh đạo các địa phương về những tác động của sạt lở cũng như công tác phòng, chống sạt lở.
Sau buổi khảo sát, đoàn đã làm việc với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hậu Giang về Công tác PCTT trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, Phó trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như sạt lở, lốc xoáy, hạn mặn và triều cường. Trong đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 63 điểm sạt lở (tăng 46 điểm so với cùng kỳ năm 2022). Tổng chiều dài sạt lở 1.550m (diện tích mất đất là 9.362 mét vuông); ước thiệt hại 5,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kiến nghị Trung ương hỗ trợ địa phương xây dựng kè chống sạt lở sông Lái Hiếu, huyện Phụng Hiệp (kinh phí 200 tỷ đồng); kè khắc phục sạt lở bờ Bắc sông Nàng Mau, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp (kinh phí 150 tỷ đồng). Hỗ trợ địa phương kinh phí thực hiện Đề án Di dời dân cư cấp bách do thiên tai và đê bao sông Mái Dầm huyện Châu Thành.
Sau khi nghe báo cáo, các thành viên Đoàn kiểm tra đã đưa ra nhiều góp ý cho địa phương xung quanh một số vấn đề như việc thu, sử dụng quỹ phòng chống thiên tai; vấn đề chậm ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2023; vấn đề quản lý thai thác cát trên sông; vấn đề kiểm soát xây dựng nhà ở ven sông …
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho biết, trong những năm gần đây, tại ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng có 3 hình thái thiên tai thường xuyên xảy ra và ngày càng trầm trọng là sạt lở bờ sông, giông lốc và triều cường, xâm nhập mặn.
“Tình hình sạt lở bờ sông ở ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Có nhiều nguyên nhân trong đó là diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, tác động của thuỷ điện. Nguyên nhân do tập quán sinh sống ven sông của người dân ĐBSCL, thiếu nguồn lực đầu tư trong khi việc đầu tư công trình khắc phục sạt lở rất tốn kém”, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho biết.
Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy đề nghị địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về diễn biến phức tạp và hậu quả của sạt lở, sụp lún, ngập úng. Tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong phòng chống thiên tai. Phải có giải pháp cấp bách trước mắt và lâu dài; huy động tổng hợp các nguồn lực (nhà nước, người dân và các nguồn hợp pháp khác) để phòng chống thiên tai.
Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cũng lưu ý điạ phương chủ động hỗ trợ đời sống người dân chịu ảnh hưởng của sạt lở; chủ động di dời người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở tránh để bị động bất ngờ dẫn đến nguy hại tính mạng của người dân. Tiếp tục khắc phục các khu vực sạt lở để bảo đảm an toàn cho người dân và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các công trình, nhà cửa ven sông.
Thanh Tiến