|
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cùng các đại biểu tham dự Hội nghị |
Trong 20 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn và giành được nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực cả về kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo thế và lực trong tiến trình xây dựng Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững. Kinh tế tăng trưởng cao (bình quân 6,5-7%/năm). Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người gần 55 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,0%.
Chất lượng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm; thực hiện tốt công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công; quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng mạnh về cơ sở; thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân; phát huy khá tốt vai trò của nhân dân trong giám sát, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...
Trong 20 năm qua, Mặt trận 3 cấp trong tỉnh đã huy động được hơn 300 tỷ đổng và trích Quỹ “Vì người nghèo” kịp thời trao tặng quà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng trao tặng Nhà đại đoàn kết cho hàng ngàn hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân đã tuyên truyền, khích lệ nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân.…
|
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị
|
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và nhất là để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng thiết thực của Nhân dân, ngày 01/8/2003, tại kỳ họp thứ 9, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khóa 5) đã ban hành Nghị quyết số 04 về việc tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu, nội dung tổ chức và giải pháp thực hiện cụ thể như: Lấy hoạt động tuyên truyền, bồi dưỡng, tôn vinh truyền thống đại đoàn toàn dân tộc, tinh thần yêu nước, gắn kết tình đoàn kết, nghĩa đồng bào ở mỗi cộng đồng dân cư là mục tiêu. Biểu dương người tốt, việc tốt; biểu dương tổ nhóm đoàn kết, hộ gia đình và các cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước là động lực và nội dung tổ chức. Xây dựng không khí đoàn kết phấn khởi, vui tươi thực sự là Ngày hội của Nhân dân hướng đến xây dựng khu dân cư vững mạnh về mọi mặt là giải pháp thực hiện.
Sau gần 20 năm triển khai, đến nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hằng năm (18 tháng 11) đã được tổ chức nền nếp, rộng khắp trong cả nước, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, củng cố tình làng, nghĩa xóm, phát huy sức mạnh của cộng đồng, tạo sự gắn bó, liên hệ mật thiết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với Nhân dân trên địa bàn các khu dân cư.
Từ kêt quả triển khai Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong suốt 20 năm qua, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, cố gắng, nỗ lực của MTTQ các cấp trong tỉnh, đã kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện Ngày hội có hiệu quả, đổi mới ngày hội phù hợp với tình hình địa phương, cơ sở với mặc dù tỉnh nhà luôn bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ và trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
“Để đạt được kết quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ngoài sự nỗ lực, tận tâm của đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp, là do có được sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp ở địa phương cơ sở, cùng với đó là sự phối hợp, tạo điều kiện của HĐND, UBND và tổ chức thành viên các cấp trong triển khai công tác Mặt trận nói chung và việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng trên địa bản tỉnh nhà trong 20 năm qua”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, ngày 25/5/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Chỉ thị 22 đề ra yêu cầu tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy mạnh mẽ tính tự chủ, năng động, sáng tạo và tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận…
Bởi vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, việc tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” cần được đổi mới đáp ứng mục tiêu, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng có trách nhiệm tham gia xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn trong thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tiếp tục tạo sức lan toả mạnh mẽ việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết trong toàn tỉnh, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình cần tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, về trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tuyên truyền về giá trị và ý nghĩa thực tiễn của Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ được trách nhiệm của mình, chủ động tham gia, góp phần làm cho Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” trở thành hoạt động nền nếp, đa dạng và sinh động, hấp dẫn tại các địa phương, cơ sở trong toàn tỉnh.
Cùng với đó, MTTQ các cấp trong tỉnh cần bám sát tình hình và điều kiện của từng địa bàn, chủ động đề xuất giải pháp đổi mới, lựa chọn chủ đề hằng năm phù hợp để Ngày hội trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần quan trọng, tạo động lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng tại các địa phương. Tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn các mô hình, cách thức tổ chức Ngày hội của từng địa bàn, khu vực, tham khảo kinh nghiệm các địa phương trong cả nước.
“Hàng năm cần xây dựng kế hoạch, thí điểm tổ chức Ngày hội trên những địa bàn có tính chất đặc thù, đồng thời hướng dẫn, phổ biến cách thức tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở từng địa bàn dân cư cho phù hợp để tạo cơ hội cho tất cả các tầng lớp nhân dân có điều kiện cùng tham gia Ngày hội, qua đó tăng cường, củng cố tình đoàn kết của cư dân trên địa bàn các khu dân cư”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng gợi mở.
Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, MTTQ Việt Nam các cấp cần bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương để xác định nội dung, lựa chọn phương thức tổ chức Ngày hội; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên ở cơ sở; đa dạng hình thức huy động nguồn lực hỗ trợ cho các khu dân cư để tổ chức Ngày hội thiết thực và hiệu quả. Chú trọng phát hiện, tôn vinh và biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, các mô hình hữu ích cho cộng đồng... làm cơ sở thu hút, tập hợp và phát huy các giá trị trong tổ chức Ngày hội tại địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, tháng 10/2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với Phát động thi đua Chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội, đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024- 2029 được tổ chức tại thành phố Hà Nội, đây là dịp để Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ đánh giá, ghi nhận những kết quả đạt được sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch về tổ chức triển khai thực hiện Ngày hội, đồng thời rút kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp thực hiện phù hợp, có hiệu quả hơn trong giai đoạn mới- đây là một trong những hoạt động tiêu biểu, là điểm nhấn để Chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024- 2029. Nhân dịp này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức thực hiện Ngày hội 20 năm qua.
Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở phát huy truyền thống văn hóa cách mạng của quê hương, với sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, sự quan tâm phối hợp của HĐND, UBND, các ngành, các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng tin tưởng công tác Mặt trận nói chung và hiệu quả của Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả hơn nữa, góp phần quan trọng cùng với cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở xây dựng tỉnh Quảng Bình ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại, giàu đẹp.
Tại hội nghị, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình vinh dự được tặng cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; 45 tập thể và 21 cá nhân được trao tặng bằng khen của UBND tỉnh và UBMTTQ Việt Nam tỉnh.
Hương Diệp - Thanh Hà