|
Ứng cử viên ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trình bày chương trình hành động với cử tri. |
Đơn vị bầu cử số 2 có 4 ứng cử viên gồm Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Lê Quang Mạnh; Uỷ viên BCH Hội Sân khấu - Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Cần Thơ Nguyễn Thị Thuý Hằng và bà Lê Thị Đức Hạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thới Lai.
Tại đây, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cùng các ứng cử viên tiếp tục giới thiệu khái quát sơ bộ chương trình hành động trọng tâm của mình.
Theo đó, trong chương trình hành động của mình, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia ứng cử ĐBQH, khi được cử tri tín nhiệm bầu vào ĐBQH cùng kinh nghiệm công tác của mình là người lãnh đạo của Mặt trận Trung ương, tôi sẽ cố gắng nỗ lực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ cơ bản của người ĐBQH.
|
Bà Trương Thị Ngọc Ánh trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc. |
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để đóng góp vào công tác lập pháp của Quốc hội, giúp Quốc hội ban hành những đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, đồng thời thể hiện được ý chí và nguyên vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho biết sẽ sẵn sàng thực hiện quyền chất vấn của đại biểu đối với lãnh đạo các bộ, nghành có liên quan. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc và giám sát đến cùng đối với các cơ quan liên quan trong việc trả lời giải quyết những kiến nghị của nhân dân trong thời gian luật định.
Ứng cử viên ĐBQH đơn vị TP. Cần Thơ Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định: “Quan tâm lớn nhất của tôi là sẽ kiến nghị Quốc hội ban hành những quyết định về chủ trương lớn. Trong đó, tập trung về các lĩnh vực giảm nghèo bền vững, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quan tâm cơ chế cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn để khắc phục tình trạng được mùa mất giá của nhân dân…”.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh còn cam kết: “Tôi sẽ cùng với đoàn ĐBQH thành phố kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành rà soát, ban hành những cơ chế, chính sách sát hợp. Đồng thời, kiến nghị chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 59-NQ/TW của BCT về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
“Tôi cũng sẽ thường xuyên thông tin về tình hình của thành phố để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu và đầu tư nhằm hỗ trợ đắc lực cho thành phố khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là thủ phủ của vùng ĐBSCL, là thành phố hạt nhân của khu vực”, ứng cử viên ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Sau khi nghe các ứng cử viên giới thiệu về chương trình hành động, cử tri phấn khởi đặt trọn niềm tin vào các vị ứng viên ĐBQH đơn vị TP. Cần Thơ khoá XV, đồng thời cũng đóng góp nhiều đề xuất, kiến nghị với ĐBQH về an ninh - quốc phòng; an ninh năng lượng quốc gia; công tác chăm lo người có công; cơ chế chính sách đặc biệt để xây dựng TP. Cần Thơ xứng tầm trung tâm vùng; về phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông…
|
Đại diện cử tri đặt vấn đề với các ứng cử viên tại buổi tiếp xúc. |
Cử tri Đặng Xuân Phương, ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thuỷ bày tỏ sự lo lắng về việc xây dựng quá nhiều đập thuỷ điện, nhất là đối với đập thuỷ điện có quy mô nhỏ, về thiết kế và sức chứa của các hồ có phần hạn chế, thường phải xả lũ mỗi khi có bão hoặc mưa lớn, gây ra tình trạng lũ quyét, ngập úng chia cắt cục bộ, ảnh hưởng đến sinh mạng, tài sản của chiến sĩ và nhân dân vùng hạ lưu, điển hình như tình trạng sạt lở, lũ quyét, ngập úng ở các tỉnh miền Trung.
Trước sự lo lắng đó, cử tri Đặng Xuân Phương kiến nghị, “Đại biểu Quốc hội khoá XV cần có chủ trương nâng cấp các hệ thống thuỷ điện nhỏ và vừa; xem xét về tính khả thi của các quy hoạch xây dựng thuỷ điện để vừa đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia, đảm bảo môi trường sinh thái và sự an toàn cho nhân dân”.
Cử tri Nguyễn Xuân Phương còn cho rằng “Để nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cần tiếp tục hỗ trợ một kinh phí khá lớn.Thời gian qua nguồn kinh phí hỗ trợ chưa đáp ứng cho các hoạt động của cuộc vận động.”
Trao đổi với cử tri về vấn đề trên, bà Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thời gian qua cá nhân và UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã rất quyết liệt đề xuất với Bộ Tài chính ban hành Thông tư 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 quy định quản lý và sử dụng kinh phí để thực hiện cuộc vận động. Trong điều kiện nguồn hỗ trợ kinh phí để Mặt trận các cấp hoạt động như hiện nay là rất hạn hẹp để thực hiện các yêu cầu công tác, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân, tuyên truyền chủ trương xây dựng nông thôn mới, cũng như để đánh giá kết quả hoạt động hàng năm, biểu dương, khen thưởng…Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, rất mong cán bộ Mặt trận các cấp chia sẻ.
Phó Chủ tịch trương Thị Ngọc Ánh thông tin thêm: “Trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” chúng ta còn phải khai thác, lồng ghép cuộc vận động với rất nhiều chương trình khác như phong trào phòng chống tội phạm, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, mục tiêu giảm nghèo… chúng ta cần vận dụng nguồn kinh phí để xây dựng các mô hình và hỗ trợ cho nhân dân góp phần thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn TP. Cần Thơ”.
“Chúng tôi xin hứa, trong thời gian tới sẽ tiếp tục khai thác các chương trình, dự án phối hợp với các bộ, ngành với Trung ương tăng cường các chương trình phối hợp để khai thác nhiều hơn các chương trình, dự án, lồng ghép với các nhiệm vụ, nội dung cuộc vận động, thực hiện có hiệu quả hơn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn TP. Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung.” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Tuệ Yên