Trên đây là nội dung lãnh đạo các địa phương này đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, diễn ra vào chiều tối 9/7, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Tăng cường năng lực xét nghiệm, cách ly, điều trị
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh ghi nhận 160 ca mắc COVID-19, chỉ riêng đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4) ghi nhận 155 ca mắc COVID-19, trong đó huyện Thống Nhất có số lượng lớn nhất với 92 ca. Bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/7, toàn tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Sau khi TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Đồng Nai xác định sẽ tận dụng cơ hội này, cùng với TP Hồ Chí Minh quyết liệt truy vết, dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Cùng với việc xét nghiệm cho những người trở về từ TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai xác định sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc COVID-19. Do đó, toàn tỉnh đang khẩn trương tăng cường chuẩn bị các cơ sở cách ly F1, điều trị F0; tận dụng các trường học, ký túc xá xa dân cư… thành cơ sở chữa bệnh.
Đối với tỉnh Tây Ninh, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 176 ca mắc COVID-19, trong đó có 17 ca phát hiện trong cộng đồng; đã chữa khỏi 39 ca, có một ca tử vong. Đại diện tỉnh Tây Ninh cho biết, khi phát hiện ca mắc COVID-19, tỉnh thực hiện truy vết nhanh, khoanh vùng, xét nghiệm, thực hiện triệt để, đảm bảo kịp thời, linh hoạt, chủ động, không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Chủ động linh hoạt phương châm “4 tại chỗ”, đến nay, Tây Ninh cơ bản khống chế được các ca lây nhiễm mới. Tuy nhiên, tỉnh xác định có 3 nguy cơ lớn lây nhiễm dịch bệnh là: người từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch trở về; người nhập cảnh; lây nhiễm trong công nhân (toàn tỉnh hiện có khoảng 14.000 công nhân, trong đó khoảng 8.000 công nhân thường xuyên di chuyển giữa Tây Ninh và một số địa phương khác, chủ yếu là Long An). Năng lực lấy mẫu của tỉnh hiện đạt 40.000 mẫu/ngày, năng lực xét nghiệm từ 700 lên 2.000 mẫu đơn/ngày.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, sau khi ghi nhận 1.118 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng với 17 ổ dịch chính, tỉnh nhanh chóng tăng cường năng lực xét nghiệm, cách ly, điều trị để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch. Đến nay, Bình Dương đã áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đối với toàn thành phố: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An; thị xã Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng.
Tỉnh yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ an toàn COVID-19 cộng đồng, Tổ An toàn COVID-19 trong công tác giám sát dịch tại khu dân cư và doanh nghiệp; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc đối với người đến từ vùng dịch theo quy định; xây dựng phương án mở rộng thêm các khu cách ly tập trung (theo kế hoạch đáp ứng 20.000-30.000 giường) để chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu tiếp nhận người cần đưa đi cách ly tập trung.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, có ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng từ ngày 27/5, đến nay toàn tỉnh ghi nhận 428 ca, trong đó có 412 ca trong cộng đồng, 16 ca nhập cảnh. UBND tỉnh Long An đã ra văn bản áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại các huyện giáp với TP Hồ Chí Minh như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An từ 0 giờ ngày 8/7, quyết tâm kiểm soát tốt và dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Là tỉnh trọng điểm kinh tế khu vực phía Nam, đặc biệt có gần 370.000 công nhân, người lao động trong toàn tỉnh, Long An tăng cường kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Tỉnh ban hành kế hoạch xét nghiệm sàng lọc trong các khu, cụm công nghiệp, nhà trọ công nhân, nơi tập trung đông người; khuyến cáo các doanh nghiệp thực hiện phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi) và kế hoạch tiêm vaccine cho công nhân.
Tuyệt đối tránh tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đến nay, cơ bản đã hình thành “một vành đai chống dịch” xung quanh TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh cần tiếp tục tăng cường kiểm soát người ra, vào thành phố song vẫn bảo đảm lưu thông để vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Phó Thủ tướng đề nghị, đối với những khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, các địa phương phải làm nghiêm, tuyệt đối tránh tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung kiểm soát hoạt động của các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp theo hướng duy trì sản xuất tuyệt đối an toàn; vừa kiểm tra giám sát, vừa vận động người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Về công tác lấy mẫu, xét nghiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần có sự điều chỉnh phù hợp giữa việc triển khai xét nghiệm nhanh và Realtime RT-PCR ở những địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Theo đó, các địa phương cần tổ chức lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm, đến tận thôn, xóm, khu phố, thậm chí đến từng gia đình; xây dựng và triển khai hệ thống nắm bắt, tiếp nhận thông tin sức khỏe của người dân, nhất là người già có bệnh nền, người có triệu chứng… và cử lực lượng đến xét nghiệm tại nhà.
Nhấn mạnh tuyệt đối không để tình trạng tập trung đông người khi tiêm vaccine hoặc lấy mẫu xét nghiệm, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đảm bảo tốc độ lấy mẫu đồng bộ với tốc độ xét nghiệm; trả kết quả xét nghiệm trong 24 giờ, không xét nghiệm theo phong trào, không để tồn đọng mẫu.
Bên cạnh đó, các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị theo chiến lược “tháp 3 tầng” (dựa trên phân loại độ nặng của người mắc COVID-19, sẽ được thu dung, điều trị bởi các bệnh viện thuộc các “tầng” tương ứng); thiết lập các bệnh viện dã chiến trên cơ sở hạ tầng sẵn có dành cho các ca F0 không có triệu chứng, đồng thời có cơ chế theo dõi những ca có triệu chứng nặng để chuyển ngay lên cơ sở điều trị có năng lực tốt hơn.
Phó Thủ tướng nêu rõ, với tốc độ lây nhiễm mạnh, nhanh của chủng mới virus, các cơ sở cách ly tập trung phải bảo đảm chống lây nhiễm chéo. Trong tình huống số trường hợp F1 tăng nhanh, các địa phương sẵn sàng phương án phân loại gia đình theo đối tượng, nơi ở phù hợp để tổ chức cách ly tại nhà, dưới sự giám sát của y tế địa phương và Tổ an toàn COVID cộng đồng; tránh tập trung quá nhiều F1 trong khu cách ly tập trung không bảo đảm điều kiện, có nguy cơ lây nhiễm chéo.
Về yêu cầu hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm nhanh của các tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, các tỉnh phải kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa việc triển khai xét nghiệm nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR phù hợp với từng tình huống dịch bệnh, kết hợp với điều tra dịch tễ có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, các văn bản, hướng dẫn đã cho phép các địa phương vận dụng quy định chỉ định thầu để mua sinh phẩm xét nghiệm nhanh trong bối cảnh dịch bệnh. Trước băn khoăn của các địa phương về vấn đề này, Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành thêm văn bản để các địa phương có đủ cơ sở pháp lý thực hiện.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các cơ sở pháp lý cho phép thẩm quyền chỉ định thầu thuộc về các địa phương. Bộ Y tế đã công khai giá sinh phẩm, thiết bị trên Cổng Thông tin Bộ Y tế. Các địa phương có thể tham khảo tại đây đối với những loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh đang khan hiếm.
Thường trực Ban Chỉ đạo lưu ý các địa phương cần phải kiểm soát chặt chẽ người từ TP Hồ Chí Minh trở về, theo Công điện số 914/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện "mục tiêu kép". Trong đó, các địa phương không chỉ siết chặt công tác khai báo y tế bắt buộc mà còn phải lập danh sách quản lý, điều tra dịch tễ và có quyết định cách ly, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe phù hợp với kết quả điều tra dịch tễ với những người này.
Theo Diệp Trương (TTXVN)