Ngày 26/5, Quốc hội tiến hành ngày làm việc thứ 5 của Kỳ họp thứ 5.
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo luật.
Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này gồm 7 chương, 79 điều. Những nội dung lớn được các đại biểu Quốc hội quan tâm gồm: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; nguyên tắc và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; các hành vi bị cấm; xử lý vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng.
Sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8%.
Nhìn chung, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết kiến nghị cử tri, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu khi thực hiện công tác quản lý, điều hành.
Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị cử tri đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước.
Dẫn nguồn: https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-ket-qua-giam-sat-giai-quyet-kien-nghi-cua-cu-tri/864628.vnp