|
Khu điều hành thuỷ điện Rào Trăng 3 trước và sau khi sạt trượt (Ảnh CTV) |
Cuối cùng, “phép màu Rào Trăng” đã không tới khi hôm qua, thi thể tướng Nguyễn Văn Man và những người đồng đội của ông đã được tìm thấy.
Và trước đó là cái chết của 3 công nhân.
Nhưng bản danh sách tang tóc không chỉ dừng lại ở con số 13 hay 15. Người thân của 15 công nhân khác vẫn đang khắc khoải, tuyệt vọng.
Thảm kịch có lẽ bắt đầu từ ngày 8/10. Hôm đó, từ sân trộn bê tông, đất đá tràn xuống xô đổ một xe ô tô 30 tấn - ông Nguyễn Đình Minh, một công nhân thoát chết ở Rào Trăng nhớ lại.
Bữa tối ngày 11/10, Hồ Văn Điều rót vài ly rượu sâm cau mời Nghĩa và Thịnh, 2 công nhân lái máy cẩu quê Nga Sơn (Thanh Hoá).
Đó là bữa tối cuối cùng. Ly rượu cuối cùng.
Đến 23h đất đá ầm ầm tràn xuống khu nhà điều hành, Điều, ở lán phía trên vội chạy ra ngoài. Trước mắt anh, cả dãy dài lán trại và khu nhà điều hành đã bị vùi lấp hoàn toàn. Nghĩa và Thịnh đang ngủ trong đó.
Thảm hoạ. Quá đau thương. Nhưng đó là một thảm hoạ đã được cảnh báo.
“Phong Điền có 1 hệ thống đứt gãy chính và các đứt gãy phụ… với các đới dập vỡ quy mô rộng, vật liệu phong hóa bở rời hoặc hỗn độn mềm - cứng, khả năng liên kết kém; đa số địa hình sườn núi có độ dốc trung bình đến cao (20º), là nơi quá trình trọng lực sườn xảy ra mạnh và rất mạnh”.
Nguy cơ trượt lở đất đã sẽ diễn ra với các “tác động kích hoạt rõ ràng nhất là do mưa và cắt xẻ taluy để làm đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở, làm mất cân bằng sườn dốc”.
“40/42 điểm xảy ra sạt trượt khi có mưa hoặc trước đó có mưa lớn kéo dài”.
Riêng “Khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3 được cảnh báo là khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao”.
Tất cả ngoặc kép được dẫn từ TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản.
Tất cả, thuộc một đề án điều tra địa chất.
Tất cả, đã được chuyển cho Ban chỉ huy Phòng chống tiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tháng 6/2020, tức là 4 tháng trước khi xảy ra thảm kịch Rào Trăng 3.
“Rào”, tiếng địa phương nghĩa là sông.
Nhưng chỉ một đoạn thượng nguồn 30km con “sông Trăng” đó đang 4 cái thuỷ điện “cóc”. Một cái thuỷ điện “cóc”, công suất 11MW, ngốn 11ha rừng khu bảo tồn thiên nhiên. Và nó vẫn được làm, bất chấp những cảnh báo.
Có lẽ, đã đến lúc đặt câu hỏi trách nhiệm, bắt đầu từ ông chủ của Rào Trăng 3, một ông chủ lúc 24 tuổi đã đảm nhận dự án thuỷ điện cả trăm tỉ đồng. Chứ 13 người hy sinh, 4 người chết, 15 người khác mất tích... Quá đau, quá đắt, quá nhiều, quá đủ rồi.
Theo Anh Đào/Báo Lao động