Trải qua gần 20 năm tổ chức, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” luôn được các cơ quan báo chí và phóng viên trên cả nước tích cực tham dự với số lượng tác phẩm tham dự năm sau nhiều hơn năm trước.
Tiếp tục phát huy những thành công của 14 lần tổ chức, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021 - 2022. Sau 2 năm triển khai, tính đến hết ngày 20/9/2022, Ban Tổ chức Giải đã nhận được 2.090 tác phẩm dự thi hợp lệ của 5 loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Thông tin với báo chí, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc lần thứ XV” cho biết, từ 2.090 tác phẩm dự thi, Hội đồng sơ khảo Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” đã lựa chọn 115 tác phẩm ở 5 loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí để đưa vào vòng Chung khảo. Trên tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và công tâm, Hội đồng Chung khảo đã thảo luận, thống nhất lựa chọn và đề xuất Ban Chỉ đạo quyết định trao giải cho 80 tác phẩm xuất sắc, gồm: 5 Giải A; 14 giải B; 29 giải C; 32 giải khuyến khích.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đánh giá, 80 tác phẩm đoạt giải năm nay là những tác phẩm ấn tượng, nổi bật bởi những phát hiện, ý tưởng có giá trị truyền tải tới xã hội, cộng đồng những thông điệp mang tính xây dựng cao, bám sát thực tiễn, có tính thời sự, mang hơi thở cuộc sống, như: phòng, chống dịch Covid-19; chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh; những cách làm sáng tạo đưa Nghị quyết của đảng vào cuộc sống; những tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng... Từ đó góp phần cổ vũ và phát huy tinh thần đoàn kết, sức sáng tạo trong nhân dân, vì mục tiêu chung xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong đó phải kể đến, các tác phẩm báo in, báo điện tử được nhiều hội viên của chi hội báo tích cực tham gia như: Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Biên phòng, Báo Công an Nhân dân, Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Báo Đại đoàn kết, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Quảng Nam, Báo Gia Lai… Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu và chất lượng như các tác phẩm: Ánh sáng ở vùng cao – Báo Quảng Nam; Hành trình đưa người lạc lối trở về - Báo Quân đội Nhân dân; Chung một dòng sông – Báo Gia Lai; Ngăn chặn nạn mua bán người - Giải cứu những phận đời cùng cực – Báo Công an Nhân dân; "Nghị quyết lòng dân" ở biên giới Kon Tum – Báo Biên Phòng ; "Đoàn kết, đồng lòng chiến thắng đại dịch" – Báo Pháp luật Việt Nam; Những điều giản dị nhưng thấm đẫm giá trị trong "ngôi nhà trí tuệ" – Báo Đại đoàn kết; Đi về phía tâm dịch - Bắc, Trung, Nam cùng chung chí hướng – Báo Lao động;...
Các tác phẩm phát thanh cũng được đầu tư công phu thông qua việc tìm tòi các nhân vật, vấn đề và phản ánh sâu đậm rõ nét các vấn đề nêu ra. Phần lớn các tác phẩm nêu những gương điển hình về sự hy sinh, cống hiến tận tâm tận lực cho công đồng. Về hình thức thể hiện, với những kịch bản vừa chặt chẽ, logic vừa có tính sáng tạo lại vừa mang đậm những đặc điểm của nghề phát thanh, các tác phẩm được thể hiện như những câu chuyện đã và đang diễn ra trước thính giả, độc giả và có sức hấp dẫn lôi cuốn đến khi kết thúc câu chuyện như: Vượt qua cơn binh lửa – Đài Tiếng nói Việt Nam; A Tú - Người gieo hạt giống đoàn kết – Đài Tiếng nói Việt Nam;...
Đối với các tác phẩm truyền hình, nhiều tác phẩm tham gia lần này có đầu tư về chất lượng nội dung cũng như hình ảnh. Nhiều chủ đề mang tính thời sự cao như: Kiều bào và hải trình đến Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2022 – Đài Truyền hình Việt Nam; Như cánh chim không mỏi – Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Đắc Lắk; Lá chắn bình yên – Truyền hình Công an Nhân dân;...
Các tác phẩm ảnh tham dự giải năm nay được các tác giả đầu tư bài bản, chất lượng và cách thức thể hiện mang tính báo chí cao như: Người đồng hành qua bóng tối – Báo Nhân dân; Nghĩa tình sau lũ dữ ở Trà Leng – Báo Quân đội Nhân dân; Những chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số làm rạng danh thể thao Việt Nam – Thông tấn xã Việt Nam; "Già làng 8X" xóa khoảng tối đưa người Dao thoát nghèo; Vượt khó "4 cùng" bám biên, giữ đất – Báo Dân Việt điện tử; Tìm đồng đội ở xứ người – Báo An Giang điện tử; Vượt khó “4 cùng” bám biên, giữ đất – Báo Quân khu 2 điện tử..
Cũng theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, cùng với việc tổ chức chấm bài dự thi, Ban Tổ chức cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Đại Đoàn Kết để hoàn tất các bước chuẩn bị cuối cùng để Lễ trao giải diễn ra chu đáo, an toàn, tiết kiệm. Việc tổ chức thành công buổi Lễ trao giải không chỉ tôn vinh, cổ vũ, động viên các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo mà thông qua việc tổ chức thành công giải sẽ lan tỏa, phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí tham gia tuyên truyền về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp.
Khẳng định đến thời điểm này công việc chuẩn bị cho Lễ trao giải đã sẵn sàng, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài kỳ vọng, từ thành công của Lễ trao giải, thời gian tới, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí, đội ngũ những người làm báo trong cả nước để cùng tiếp sức cho MTTQ Việt Nam thực hiện sứ mệnh của mình trong xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Lễ công bố và trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV, năm 2021-2022 được truyền hình trực tiếp trên Kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam. Thời gian bắt đầu từ 20h00, ngày 29/10 tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội. Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2022).
Hương Diệp