Đường đi dự kiến của siêu bão Lan.
Theo ghi nhận từ cơ quan khí tượng Nhật Bản, siêu bão Lan đã đạt cấp 13-14, giật cấp 17, với khí áp ghi nhận được là 950mbar và sẽ tiếp tục mạnh lên.
Các nhà khí tượng nhận định: Lan là siêu bão mạnh nhất trên hành tinh từ trước tới nay. Tầm ảnh hưởng của nó lan xa hàng ngàn km, vượt qua Thái Bình Dương, chạm đến tận bờ biển Đông nước Mỹ.
Vào 22.10, cơn siêu bão sẽ càn quét mạnh sau đó tiến vào vùng đại dương lạnh hơn có gió mạnh trên cao nên bị suy yếu.
Khi yếu đi, siêu bão Lan được dự báo sẽ di chuyển ra ngoài khơi biển Nhật Bản, quét qua gần thành phố Kyoto vào ngày 22.10, đổ bộ trực tiếp vào thủ đô Tokyo vào ngày 22 và 23.10 với mức siêu bão cấp 2.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão Lan sẽ hút cả vùng áp thấp ở biển Đông về hướng đông chếch bắc (tức kéo vùng áp thấp ra ngoài Biển Đông).
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Được biết, cùng thời điểm như mọi năm, hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới thường di chuyển theo hướng Tây hoặc Tây Bắc.
Tuy nhiên, do siêu bão quốc tế Lan đang mạnh dần nên đã khiến hướng di chuyển của các luồng đối lưu theo hướng Đông Đông Bắc, một hiện tượng thiên nhiên thường gặp khi mà nhiều luồng áp thấp khác cường độ hay di chuyển cùng hướng với nhau.
Do tác động của siêu bão Lan và áp thấp nhiệt đới, cả vùng biển phía nam biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau sẽ có mưa rào, dông mạnh với sức gió có thể lên tới cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-3,0 m biển động.
Ở Trung và Nam Trung Bộ dự báo cũng sẽ có mưa lớn trong nhiều ngày.
Theo Bích Hà/Báo Lao động