Sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Chiều ngày 13/3, tại tòa nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bắt tay đại biểu tham dự Hội nghị

Dự Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Quốc hội, các vị Ủy viên UBTVQH, các Phó Chủ tịch chuyên trách, không chuyên trách của UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, đại diện Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn và một số cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Cùng dự còn có đại diện Ban Dân vận Trung ương, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc UBTVQH, Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội; đại diện Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo một số ban, đơn vị cơ quan thuộc cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.


Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị

Phối hợp thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp, pháp luật quy định

Báo cáo kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa UBTVQH và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, qua 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác số 02/QC-UBTVQH14-MTTQVN ngày 14 tháng 3 năm 2018 giữa UBTVQH và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, công tác phối hợp giữa hai cơ quan đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và cả hệ thống MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp, pháp luật quy định.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, UBTVQH đã tích cực phối hợp với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua thực hiện các nhiệm vụ xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tập thể và từng thành viên UBTVQH luôn quan tâm, chú trọng quán triệt nghiêm túc, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, xây dựng các phong trào thi đua, các cuộc vận động hưởng ứng và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; góp phần củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày báo cáo tại Hội nghị

Công tác xây dựng pháp luật được hai bên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Hằng năm, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu đóng góp ý kiến đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh, tập trung vào một số dự án luật có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các tầng lớp Nhân dân, đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Năm năm qua, hai bên phối hợp góp ý, phản biện xã hội đối với 47 dự án luật, trong đó đặc biệt Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số hơn 8,3 triệu lượt ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được các cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu tiếp thu; qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Hai bên đã phối hợp triển khai tổ chức thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Đảng; phối hợp xây dựng nhiều chuyên đề, đề án; phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết một số văn bản quy phạm pháp luật theo quy định và cử đại diện tham dự, phát biểu tại các phiên họp, các hội nghị, các hoạt động của nhau.

Quang cảnh Hội nghị

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 mặc dù diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, hai bên đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng từ khâu xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, công tác hiệp thương, vận động bầu cử, tổ chức tiếp xúc cử tri và triển khai công tác bầu cử nên cuộc bầu cử đã thành công rất tốt đẹp, đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác phối hợp giữa hai bên.

“Một trong những kết quả nổi bật thời gian qua là sự đổi mới, nâng cao chất lượng trong việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Tại mỗi kỳ họp của Quốc hội, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, bảo đảm tổng hợp đầy đủ, kịp thời và phản ánh khách quan, toàn diện tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân đến với Quốc hội. Đổi mới công tác xây dựng Báo cáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin, tổng hợp đa chiều ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, công tác phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm của hai bên chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như sự quan tâm của cử tri và Nhân dân. Các hoạt động giám sát chuyên đề đều có sự tham gia của các bên, các kiến nghị sau giám sát của hai bên đều có sự theo dõi sát sao để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết. Có thể nói, công tác giám sát, phản biện xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng đi vào thực chất, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị

3 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phối hợp năm 2024

Nhấn mạnh trong thời gian tới, với nhiều vấn đề và yêu cầu mới đặt ra, cùng với khối lượng nhiệm vụ và yêu cầu công việc rất lớn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, hai bên cần chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm để hoàn thành hiệu quả các nội dung đã xác định trong quy chế phối hợp.

Trong đó, tập trung phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 như: tăng cường phối hợp trong công tác xây dựng, góp ý, phản biện xã hội, thẩm tra, cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phối hợp hỗ trợ để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật điều chỉnh về hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.

Cùng với đó cần tập trung phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành Nghị quyết về hướng dẫn tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; nghiên cứu, xây dựng, ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp thu phản hồi ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường phối hợp trong nghiên cứu, hoàn thiện các đề án đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đề án đổi mới công tác dân nguyện, các đề án về đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Tăng cường phối hợp giám sát của hai cơ quan, bảo đảm có sự tham gia đầy đủ, phân công trách nhiệm và xác định nội dung, phạm vi giám sát cụ thể để phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi bên. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị.

Kỳ vọng vào công tác phối hợp trong thời gian tới

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, các văn kiện gần đây của Đảng nhấn mạnh đến vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, xem đó là phương thức kiểm soát quyền lực trong điều kiện một đảng cầm quyền, hoạt động này rất hiệu lực và hiệu quả. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý của việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, ngoài hai chương 4 và 5 trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015, sau đó có Nghị quyết liên tịch số 403 giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với UBTVQH và Chính phủ nhưng vẫn còn chưa cụ thể, nên hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận còn lúng túng và hiệu lực, hiệu quả chưa cao, nhất là giám sát đối với cá nhân. Vì vậy, trong thời gian tới cần có văn kiện tiếp tục cụ thể hóa hoạt động giám sát, phản biện xã hội giữa 3 cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, UBTVQH và Chính phủ.

"Nếu làm tốt được công tác giám sát, phản biện xã hội không những sẽ kiểm soát được quyền lực tốt hơn mà còn góp phần xây dựng pháp luật tốt hơn", GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.

Cũng theo GS.TS Trần Ngọc Đường, dư luận xã hội đang mong muốn Luật bầu cử được sửa đổi, bổ sung để việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thực chất hơn, chất lượng hơn để tìm ra những đại biểu thực sự xứng đáng tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho tiếng nói của nhân dân.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều