Chiều 28/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các Bộ, ngành Trung ương, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tham dự lễ Tuyên dương. (Ảnh: Dũng Thanh)
“Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, sự chung tay đóng góp của cộng đồng xã hội để hỗ trợ những người có hoàn cảnh còn khó khăn là hết sức cần thiết và quan trọng” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại Lễ tuyên dương.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và triển khai thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020, công tác an sinh xã hội và các chính sách xã hội của đất nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, cải thiện chỉ số phát triển con người Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân về tinh thần và vật chất. Đã bao phủ khoảng trên 23,2 triệu người, chiếm 25% dân số, tuy còn nhiều khó khăn, song tỷ lệ đảm bảo ngân sách thực hiện các chính sách xã hội tăng dần hàng năm; tổng chi của ngân sách nhà nước cho trợ giúp xã hội năm 2019 lên đến 35 ngàn tỷ đồng.
Bộ trưởng cho biết, thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, với truyền thống yêu thương đùm bọc, đoàn kết gắn bó của cả dân tộc, các hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào sâu rộng trong xã hội, tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã có sức hiệu triệu, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện chung tay, góp sức về cả vật chất lẫn tinh thần nhằm hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế và người dân gặp hoàn cảnh khó khăn.
Đây là lần đầu tiên tổ chức gặp mặt quy mô toàn quốc với những đại biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Đó là những người dân đã và đang dành công sức, tiền của của mình và vận động xã hội chăm lo cho những người yếu thế, họ làm những công việc có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Cuộc gặp mặt lần thứ nhất này gồm 400 đại biểu tiêu biểu, trong đó có 197 đại biểu là nữ, 08 đại biểu từ 70 tuổi trở lên, 04 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 50 đại biểu là người khuyết tật, 20 đại biểu là các cá nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội, 100 đại biểu là những nhân viên phục vụ trong lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc các đối tượng tại các trung tâm, cơ sở điều trị và người yếu thế, 300 đại biểu là những người dân, không giữ chức vụ lãnh đạo, đang sinh sống và làm việc trên mọi miền đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH đã có sáng kiến tổ chức sự kiện này, cho rằng đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Phó Chủ tịch nước, hiện nay chúng ta vẫn còn nhiều đối tượng cần trợ giúp, trong đó 6,4 triệu người khuyết tật, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhiều đối tượng yếu thế khác. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội cần tiếp tục quan tâm làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội.
Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội, trong đó quan tâm ưu tiên bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng và khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương, song song đó có giải pháp quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có hoàn cảnh khó khăn trên cơ sở kết hợp ba nguồn: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân đối tượng khó khăn tự vươn lên.
Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng to lớn trong nhân dân, tạo ra phong trào thiện nguyện mạnh mẽ, liên tục, toàn diện. Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ đền ơn, đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo và các phần quỹ vì cộng đồng khác để có thêm nguồn lực chăm lo tốt hơn cuộc sống của người có công với cách mạng cũng như của các gia đình, cá nhân, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều quan trọng là cần kịp thời tôn vinh, biểu dương những sự ủng hộ và đóng góp quý báu này, cũng như sự hy sinh, giúp đỡ bằng sức người, sức của của mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho cộng đồng trên mọi lĩnh vực, mọi đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Đây chính là những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng, những điển hình tích cực trong công tác xã hội, để xã hội ngày càng có nhiều câu chuyện đẹp, nhiều tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người, tiếp thêm sức mạnh cho mọi người dân vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống để không ai bị bỏ lại phía sau.
Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan truyền thông và các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” lan tỏa trong toàn xã hội...
Những tấm lòng cao cả
Cuộc gặp mặt lần này thực sự là sự hội tụ của hàng trăm “câu chuyện cổ tích” trong đời thường. 400 tấm gương dự gặp mặt là biểu tượng cho đức hy sinh, lòng bao dung, tình nhân ái; là mạch nguồn nuôi dưỡng, ngọn lửa thuần khiết sưởi ấm và giúp hiện thực hóa ước mơ hạnh phúc của những mảnh đời bất hạnh.
Có thể kể đến một số tấm gương tiêu biểu tham dự chương trình như bà Nguyễn Thị Hồng, 15 năm qua, bà đã dành toàn bộ tiền của gia đình xây dựng cơ sở tại tỉnh Đồng Nai để cưu mang, chăm sóc 76 cụ già không người thân, không nơi nương tựa, trong đó có 37 cụ nhiều năm nằm liệt giường, bị thần kinh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân, người đã có hơn 30 năm sống và phục vụ bệnh nhân phong. Khi mà mọi người đều sợ lây bệnh và xa lánh họ thì hằng ngày, ngoài công việc chăm sóc y tế, phục hồi chức năng cho người bệnh, bác sĩ Xuân còn nấu cơm, giặt giũ, vệ sinh cá nhân, cõng người bệnh đi lại, không nề hà bệnh tật.
Chị Đoàn Thị Khuyên, là người vợ nhiễm HIV từ chồng khi mang bầu, ngày sinh con cũng là ngày ngập tràn trong nước mắt khi đứa bé trai ra đời cũng bị nhiễm HIV. 20 năm đã trôi qua, hai mẹ con đã làm thay đổi nhận thức của những người xung quanh chị, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội. Xưởng may mà chị thành lập đã góp phần duy trì và nâng cao đời sống cho trên 20 chị em, chủ yếu là những người phụ nữ bị nhiễm HIV.
Tấm gương ông Bùi Công Hiệp, Thành phố Hồ Chí Minh, cựu chiến binh hơn 10 năm qua tình nguyện nuôi hơn 100 trẻ mồ côi, và quyết định tặng toàn bộ tài sản hơn 100 tỷ đồng cho trẻ mồ côi bằng cách ghi tên các trẻ em vào trong sổ đỏ để sau này các cháu có 1 mái nhà. Và người bố của hơn 100 trẻ mồ côi này được các cháu gọi là "ông Bụt" trong đời thường.
Những tấm gương tiêu biểu tham dự chương trình (Ảnh: Dũng Thanh)
Tấm gương anh Lê Anh Tuấn, tại tỉnh Bình Dương, “Hiệp sĩ bóng đêm”, với chiếc xe riêng của mình, anh đã chạy hơn 500 chuyến xe cấp cứu miễn phí, kịp thời đưa người bị nạn vào bệnh viện để được cứu sống...
Vợ chồng người cựu chiến binh Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai. Tổng số tiền từ thiện mà gia đình ông Kiểm đóng góp bằng nhiều hình thức tính đến nay đã lên đến gần 1.300 tỷ đồng, ông còn được gọi bằng cái tên rất đỗi thân thương “Sứ giả của lòng nhân ái”.
Tấm gương anh Đỗ Hà Cừ, bị di chứng chất độc da cam rất nặng do người cha để lại. Hơn 30 năm qua, Đỗ Hà Cừ chỉ nằm một chỗ nhưng bằng nghị lực phi thường của mình, anh đã thành lập một không gian đọc mang tên Hy vọng ngay tại nhà với 4.000 cuốn sách, góp phần lan tỏa tình yêu thương và sự chia sẻ của cộng đồng để giúp đỡ những người khuyết tật.
Bà Lê Thị Thanh Thủy, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đang tổ chức và duy trì việc nuôi 68 trẻ em khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam và mở quán cơm từ thiện Nghĩa Tình, phục vụ miễn phí cho người nghèo khó, cho nạn nhân da cam, cho người khuyết tật, bệnh nhân nghèo tại thành phố Vũng Tàu với số tiền bỏ ra đến nay lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ông Hồ Văn Thương 24 năm qua đã tận tâm tận tụy chăm lo 4.000 phần mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ của huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng, tỉnh Long An. Ông là tấm gương tiêu biểu đại diện hàng ngàn các bác, các cô, các chú không quản ngày đêm, vất vả, âm thầm chăm sóc nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ trên cả nước.
Ông Ngô Văn Dư, tại TP. Hồ Chí Minh, hơn 25 năm qua, ông đã 97 lần tự nguyện hiến những giọt máu quý giá của mình để kịp thời cứu giúp những bệnh nhân hiểm nghèo với suy nghĩ hết sức mộc mạc “Để máu chờ người chứ không để người chờ máu”...
Theo Kim Thanh/Đảng Cộng sản Việt Nam