Ảnh minh họa
Theo ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Trước đây, việc đặt tên cho các cơn bão do Cơ quan Khí tượng Mỹ thực hiện. Ban đầu, người ta đánh số cho từng cơn bão trong từng mùa mưa bão theo nguyên tắc lấy ngày cơn bão xuất hiện để đặt tên cho nó. Sau đó, Khí tượng Mỹ có sáng kiến lấy tên Thánh của ngày xuất hiện cơn bão để đặt tên. Một thời gian sau, nước Mỹ đề xuất có danh sách tên đề cử gửi cho Tổ chức khí tượng thế giới sử dụng theo thứ tự từ A đến Z.
Trong một số ngôn ngữ Châu Âu, bão là danh từ thuộc giống cái nên trước đây người ta đã sử dụng tên phụ nữ để đặt tên bão. Sau đó, để ủng hộ phong trào nữ quyền nên không lấy tên phái nữ để đặt tên các cơn bão nữa. Tổ chức Khí tượng Thế giới quyết định dùng một tên nam giới và một tên nữ giới đặt tên cho các cơn bão xen kẽ nhau. Tên này do các nước thành viên tiến cử cho Tổ chức Khí tượng Thế giới lựa chọn.
Trên thế giới có 7 vùng bão, trong đó khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương là ổ bão lớn nhất. Mỗi ổ bão khác nhau lại có những quy định khác nhau. Ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, có 14 nước tham gia Ủy ban Bão của khu vực đã họp lại, bàn thảo và đưa ra quyết định: Các nước sẽ đóng góp danh sách các tên bão, Việt Nam đã đề cử 10 tên các cơn bão để đưa vào danh sách đặt tên của Tổ chức Khí tượng Thế giới.
Ông Lê Thanh Hải cho biết: “Tôi có tham gia từ đầu việc đóng góp tên bão, chúng tôi có đề cử 20 đến 25 tên khác nhau. Và trước khi gửi danh sách tên đề xuất, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của Viện Ngôn ngữ học. Viện Ngôn ngữ Việt Nam thẩm định và khẳng định đó là những cái tên thuần túy Việt Nam. Hồi đó, chúng tôi đề xuất cả một cặp tên Sơn Tinh – Thủy Tinh, một vị thần gây ra bão lụt, một vị thần chống chọi lại bão lụt.
Chắc hẳn ai cũng ngạc nhiên vì có thể nói nhắc đến Sơn Tinh là phải nói đến Thủy Tinh. Tại sao lại có bão Sơn Tinh, không có bão Thủy Tinh? Lý do là vì khi các nước đề xuất tên những cơn bão thì theo quy định, khi gửi các tên đề cử, các nước thành viên phải đọc rõ cách phát âm và giải thích ý nghĩa của những cái tên đó.
Đồng nghiệp của chúng tôi khi đó đọc đến tên bão Thủy Tinh thì bất ngờ mọi người cười ồ lên. Mọi người liền không đồng ý vì do cách phát âm của từ Thủy Tinh trong tiếng nước bạn biến thành một từ gây cười và thậm chí gây hiểu nhầm trên các khía cạnh văn hóa. Vì thế, Ủy ban bão của khu vực chỉ chọn 10 tên do chúng ta đề cử, trong đó có: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Tramy, Halong, Vamco” – ông Hải lý giải.
Về băn khoăn của dư luận: Liêụ có nên lấy tên vị thần cao quý đặt tên cho thiên tai? Trao đổi với Lao Động, ông Hải cho rằng: Ủy ban Bão họp thường kỳ, việc đề cử tên mới, loại tên cũ ra khỏi danh sách cũng được bàn thảo và đi đến quyết định cuối cùng.
Trên thực tế, có những cơn bão khốc liệt, nhiều nước đề xuất phải lãng quên nó đi như bão Saomai, Chanchu đã được chấp thuận xóa tên khỏi danh sách. Tạm thời đến thời điểm này, bão Sơn Tinh đã xuất hiện lần thứ 2, lần thứ nhất vào năm 2012 nhưng chưa thấy ai đề xuất. Nếu có đề xuất chúng tôi sẽ có thủ tục chính thức để kiến nghị Ủy ban Bão. Nhưng chắc chắn một điều không thể thay bằng tên Thủy Tinh”.
Theo Thảo Anh/Báo Lao động