|
Người lao động Công ty may Hòa Thọ (TP Hội An, Quảng Nam) được bảo đảm quyền lợi. |
Bên cạnh đó, tình trạng chủ sử dụng lao động, hộ kinh doanh cá thể chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn ra; tình trạng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng... gây áp lực lớn cho việc mở rộng, phát triển người tham gia cho toàn ngành bảo hiểm xã hội.
Đưa chỉ tiêu vào nghị quyết
Trước tình hình đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Công văn gửi các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy về việc đề nghị tiếp tục phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 45% và bảo hiểm thất nghiệp là 35% lực lượng lao động trong độ tuổi và hơn 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; đồng thời để khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và các hành vi trục lợi khác, hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Ban cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung quan trọng.
Theo đó, đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào nghị quyết của cấp ủy các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; coi việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là tiêu chí để xem xét khen thưởng, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng và chính quyền.
Tiếp đến là cần kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, do chủ tịch ủy ban nhân dân làm trưởng ban chỉ đạo; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng thành viên trong việc chỉ đạo, triển khai các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Phải thừa nhận một thực tế là tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, tại nhiều địa phương, bình quân hơn 10.000 tỷ đồng/năm.
|
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các địa phương xem xét, bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho người dân, nhất là số người mới thoát nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo,... có hoàn cảnh khó khăn nhằm mở rộng và duy trì người tham gia; đồng thời, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để cán bộ, đảng viên, chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tính nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ đó nâng cao ý thức tự giác, ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Công khai rộng rãi các đơn vị trốn đóng...
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã giảm mạnh trong những năm gần đây (năm 2022 chỉ còn chiếm 2,91% số tiền thu, là năm có tỷ lệ chậm đóng thấp nhất từ trước đến nay); quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được bảo đảm.
|
Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, trốn đóng diễn ra thời gian dài dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng việc giải quyết chế độ của người lao động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có việc chưa xác định, quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia bắt buộc, các giải pháp, biện pháp xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng...
Để khắc phục, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc chia sẻ, cung cấp thông tin về khai trình lao động của doanh nghiệp, kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân của các cơ quan quản lý về lao động, thuế, kế hoạch đầu tư... với cơ quan bảo hiểm xã hội; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sử dụng lao động, việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động, nhất là đơn vị sử dụng nhiều lao động nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát hiện, ngăn chặn gian lận, trục lợi, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 3 tháng trở lên; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan liên quan tập hợp hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý đối với các hành vi gian lận, trốn đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các địa phương không khen thưởng, vinh danh, không xem xét hồ sơ tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công đối với đơn vị sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; công khai rộng rãi các đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tăng cường chức năng giám sát, tuyên truyền vận động các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn.
Theo thống kê, đến hết ngày 31/7/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội chiếm khoảng 36,8%, bảo hiểm thất nghiệp đạt 30,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92,3% dân số.
Theo NHẬT ANH/Báo Nhân dân