Cùng đi có ông Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
|
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm gia đình bà Tạ Thị Hưng (vợ liệt sĩ, sống tại huyện Đất Đỏ). Ảnh: TTXVN. |
Tại Đền thờ nữ Anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu, trong không khí trang nghiêm, trước Tượng đài nữ Anh hùng, các đại biểu đã dâng hương, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn người con ưu tú của quê hương Đất Đỏ anh hùng. Sau lễ viếng, các đại biểu đến thắp hương, tham quan đền thờ và nhà lưu niệm và nghe tóm tắt tiểu sử của chị Võ Thị Sáu.
Tại gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Đường và vợ liệt sĩ Tạ Thị Hưng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng gửi lời chúc sức khỏe và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các đóng góp quý báu của Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công, các thương bệnh binh đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đánh giá cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời mong muốn, tỉnh tiếp tục chăm lo, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần với người có công để làm trọn đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Đại diện các gia đình chính sách đã bày tỏ niềm vui và sự phấn khởi trước sự quan tâm, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đối với người có công với quê hương, đất nước. Đồng thời hứa sẽ luôn là những người gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, giáo dục con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng phát triển hơn nữa.
|
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ân cần thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Đường. Ảnh: Mạnh Thìn. |
Suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn có nhiều hoạt động tri ân liệt sĩ, thương bệnh binh, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công với cách mạng, thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ.
Tại xã Long Phước (TP Bà Rịa) hàng năm vẫn duy trì “Đại giỗ Liệt sĩ” vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Đền thờ Long Phước là nơi chính quyền, nhân dân xã Long Phước tổ chức cúng giỗ các Anh hùng liệt sĩ. Với nhiều người dân nơi đây, Đền thờ Long Phước không chỉ là một Di tích lịch sử cách mạng nơi có địa đạo Long Phước, mà còn là “vùng đất thiêng” thờ phụng hơn 517 Anh hùng liệt sĩ đã nằm lại trong lòng Đất Mẹ.
Bà Nguyễn Thị Minh, ngụ xã Long Phước cho biết, chưa năm nào bà vắng mặt ở Đền liệt sĩ để cùng mọi người sửa soạn đồ cúng tưởng nhớ người anh ruột, anh trai chồng cùng các Anh hùng liệt sĩ của địa phương đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết, ngoài các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho gia đình chính sách thì hàng năm vào các dịp lễ, Tết và đặc biệt là dịp 27/7, chính quyền địa phương cũng đều tổ chức thăm hỏi, trao những phần quà động viên các gia đình chính sách, người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng. “Chúng tôi luôn quan tâm đến đời sống của các gia đình chính sách. Coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ, nghĩa cử cao đẹp, là tình cảm sâu sắc, tỏ lòng biết ơn sự hy sinh mất mát của lớp người đi trước. Lễ giỗ Liệt sĩ là một trong những hoạt động ý nghĩa như thế” - ông Dũng nói.
Còn Bí thư Thành ủy Bà Rịa Trần Văn Tuấn cho biết, “Đại giỗ liệt sĩ” ở Đền Liệt sĩ Long Phước diễn ra lần đầu tiên vào năm 1976 và được duy trì suốt 47 năm qua. Từ chính quyền địa phương cho đến người dân, hễ cứ đến ngày 27/7, ai nấy cũng sốt sắng để chuẩn bị cho lễ “Đại giỗ Liệt sĩ”. Không chỉ riêng Long Phước mà nhiều xã, phường khác trên địa bàn TP Bà Rịa có Đền thờ Liệt sĩ đều thực hiện nghi thức lễ giỗ.
“Với địa phương chúng tôi, đây vừa là dịp để tri ân công lao của các Anh hùng liệt sĩ đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vừa là dịp để gửi gắm đến thế hệ trẻ thông điệp về việc tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta. Làm sao để các thế hệ sau phải duy trì được những việc làm ý nghĩa và nhân văn với các thế hệ đi trước” - ông Tuấn nói.
Những năm qua, cùng với thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tích cực chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ, xác nhận và giải quyết chế độ chính sách cho người có công. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng về xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách đối với người có công. Qua đó, đã giải quyết chế độ cho hơn 40.000 hồ sơ người có công với cách mạng; chi trả hàng tháng hơn 7.000 lượt người có công và thân nhân với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng/tháng. Việc giải quyết chế độ ưu đãi cho các đối tượng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng theo quy định.
Bên cạnh nguồn lực huy động từ xã hội, mỗi năm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bố trí gần 70 tỷ đồng ngân sách để chăm lo cho gia đình chính sách, người có công. Thời gian qua, toàn tỉnh đã huy động trên 123 tỷ đồng xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa, qua đó, hỗ trợ xây mới 1.646 nhà với số tiền hơn 26 tỷ đồng, sửa chữa 5.381 nhà với số tiền hơn 41 tỷ đồng; tặng hơn 7.500 suất quà/năm cho các đối tượng chính sách, gia đình người có công.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã giải quyết chế độ trợ cấp cho 41.677 lượt đối tượng chính sách với tổng số tiền hơn 73 tỷ đồng; Tiếp nhận và giải quyết gần 600 hồ sơ, thương bệnh binh, liệt sĩ từ các tỉnh khác chuyển đến...
Mạnh Thìn - Hoàng Trang