|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng lắng nghe ý kiến của đại biểu tại Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội |
Trao đổi tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát gây nhiều tổn thất to lớn về nhân mạng, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, văn hóa, xã hội của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ; các tỉnh, thành ủy và chính quyền các cấp; sự kêu gọi toàn dân đoàn kết chung sức chống đại dịch của UBTƯ MTTQ Việt Nam và sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân tộc, về cơ bản đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Dũng, để tái khởi động và phát triển kinh tế sau đại dịch; Chính phủ và chính quyền các địa phương, nhất là khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, hỗ trợ cho công nhân quay lại sản xuất. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm khó khăn hơn.
Tính riêng trong quý III năm 2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên phải hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 như: bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… So với quý II/2021, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Diễn biến bất thường của đại dịch Covid-19 đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến lên đến gần 4%. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (hơn 6%), trong đó TP.HCM chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 10%). Thu nhập bình quân của người lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Ông Huỳnh Văn Minh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam chia sẻ, dịch Covid-19 kéo dài khiến cho nền kinh bị tổn thất nặng nề; DN và người dân nhiều nơi gặp rất nhiều khó khăn, bởi vậy, các ngành các cấp cần ngồi lại "mổ xẻ" vì sao mà để ra dịch lâu như vậy, thiệt hại lớn nhất như vậy? Tại sao vaccine lại được triển khai tiêm đại trà muộn như vậy? “Nếu được thực hiện tiêm ngừa sớm chắc tình hình không nghiêm trọng như đã diễn ra”, ông Minh khẳng định.
Theo ông Minh, thời gian tới cần tăng cường cơ sở vật chất cho ngành y tế, nhất là y tế cơ sở. Qua diễn biến dịch lần lần thứ 4, mới thấy y tế cơ sở là rất quan trọng. Bên cạnh đó cần đào tạo đội ngũ cán bộ y tế về số lượng, trình độ, chuyên môn.
Ông Trần Việt Anh - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Thái Sơn phản ánh về tình trạng DN phải tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc để test dịch Covid-19, cứ 3 ngày một lần, nhiều DN ở phía Nam phải thực hiện điều đó.
“Có DN lợi nhuận mỗi tháng 15 tỷ đồng nhưng phải bỏ phí test Covid-19 hết 10 tỷ đồng, rồi còn bao nhiêu khoản phải chi lớn nữa như: lương cho người lao động, chi phí điện nước, thuế, mặt bằng, hư hao sản lượng… làm sao họ chịu nổi được”, ông Việt Anh đặt vấn đề đồng thời mong muốn, ở các khu nhà ở công nhân, các khu công nghiệp có từ 10 ngàn lao động trở lên cần có thêm trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến mini nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch xảy ra.
Trong khi đó, ông Peter Hồng, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cho biết, ông đã từng đề nghị cho phép DN tư nhân nhập vaccine ngừa dịch Covid-19 nhưng không được chấp nhận.
“Điều này là rất đáng tiếc bởi nhiều DN, nhất là các DN Việt Nam ở nước ngoài họ biết ở đâu có vaccine, giá cả như thế nào, chất lượng ra sao. Cũng chính vì không cho DN tư nhân tham gia nên khi chúng ra cần lượng vaccine lớn, ngay lập tức rơi vào cảnh lúng túng, góp nhặt từng ít một”, ông Peter Hồng nói và đề xuất, để ứng phó tốt với kịch bản không mong muốn là dịch tiếp tục quay trở lại, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị một cách nhanh chóng, bài bản về vaccine, thuộc đặc trị, dụng cụ y tế, trong đó cần cho tư nhân tham gia nhưng phải được quản lý hết sức chặt chẽ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam chia sẻ, đợt dịch lần thứ 4, tại TP.HCM có hàng trăm ngàn người lao động rời bỏ Thành phố để về quê, điều đó khiến Thành phố thiếu hút lực lượng lao động lớn. Theo ông Hậu, lý do là họ cảm thấy ở lại sẽ không an toàn. Bên cạnh đó, việc chăm sóc y tế, đời sống trong và sau diễn biến dịch khó đảm bảo… Chính vì vậy cần tiến hành sớm hỗ trợ về nhà ở xã hội để người lao động để họ yên tâm ở lại làm việc; Nhà nước cần cụ thể hóa quy định để các ngân hàng tuân thủ nhằm hỗ trợ các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn tái sản xuất.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao những phản ánh, đóng góp của các đại biểu. Đây là những ý kiến sát thực, có cơ sở thực tiễn, có cơ sở khoa học cao. Điều này cũng cho thấy các đại biểu đã nghiên cứu rất kỹ và hết sức có trách nhiệm.
Chia sẻ của các DN về những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay nhằm khôi phục sản xuất… Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng đồng tình với đề xuất của các đại biểu về việc cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia sâu, rộng hơn trong việc khám điều trị bệnh Covid-19; sớm cho các DN tư nhân được nhập, phân phối các dụng cụ phòng, chống dịch, các loại thuốc đặc trị Covid-19, và chỉ có như vậy, mới tạo ra được nguồn lực đủ mạnh “phản ứng”, đối phó kịp thời với dịch.
"Những ý kiến của đại biểu tại Hội nghị sẽ được UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp thu đầy đủ để tổng hợp gửi tới các cơ quan, ban ngành liên quan với mong muốn hạn chế những tiêu cực, giảm bớt những bức xúc của DN, đồng thời hỗ trợ đời sống đang khó khăn của nhân dân", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Hương Diệp