|
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV . Ảnh: TTXVN. |
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 26 đại biểu phát biểu và 03 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số các ý kiến đại biểu phát biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật và nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã báo cáo, giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Thường trực Tòng Thị Phóng nêu rõ, về cơ bản các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và ý kiến của cơ quan thẩm tra. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung sau:
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; đồng thời đề nghị dự thảo Luật cần tập trung quy định về việc kiểm soát, phòng ngừa ma túy và việc cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy. Các quy định của dự thảo Luật cần tránh chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác có liên quan, nhất là trong lĩnh vực hình sự, hành chính, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các đại biểu đề nghị trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của ngành công an và các cơ quan hữu quan cần được quy định rõ trong Luật; đồng thời, các đại biểu đồng ý bổ sung Chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của các quy định này, nhất là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Về cai nghiện ma túy, các đại biểu Quốc hội thống nhất quy định về vai trò chủ đạo của Nhà nước trong cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu đề nghị cần lưu ý các quy định về thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy nhằm đa dạng hóa các hình thức, phương thức cai nghiện phù hợp với từng nhóm đối tượng để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Dự thảo Luật cần thể hiện được quan điểm và chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, cơ sở xã hội, khu vực tư nhân tham gia thực hiện cai nghiện ma túy theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về những nội dung sau: Về cai nghiện ma túy tự nguyện, đề nghị cần quy định chặt chẽ về thời gian, thời hạn tối thiểu, yêu cầu chất lượng cai nghiện ma túy tại gia đình nhằm giúp người dân và cộng đồng hiểu rõ, thực hiện đúng, tránh lợi dụng để trốn tránh, không cai nghiện bắt buộc hoặc lạm dụng thực hiện cai nghiện tự nguyện. Về cai nghiện ma túy bắt buộc: do nội dung liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nên cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất dự thảo Luật xác định đối tượng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về cai nghiện ma túy đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật; đồng thời đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo cần thống nhất, bổ sung quy định về việc lập hồ sơ đưa các đối tượng này vào cơ sở cai nghiện ma túy nhằm bảo vệ quyền của trẻ em, bảo đảm phù hợp với luật pháp quốc tế và tính khả thi của Luật.
Về phòng nghiện ma túy: Đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để bổ sung một số quy định về phòng nghiện ma túy giúp người dân, cộng đồng xã hội nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của ma túy, nhất là đối với giới trẻ. Cần tham khảo thêm Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia về quy định này để bảo đảm sự thống nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, để bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng dự án Luật, đề nghị Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến góp ý của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11.
Buổi chiều:
Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Kết quả biểu quyết như sau:
Về không bổ sung biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp các dịch vụ điện nước: có 452 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,78% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 390 đại biểu tán thành (bằng 80,91% tổng số đại biểu Quốc hội), 56 đại biểu không tán thành (bằng 11,62% tổng số đại biểu Quốc hội), 06 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,24% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: có 447 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,74% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 445 đại biểu tán thành (bằng 92,32% tổng số đại biểu Quốc hội), 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về toàn bộ dự thảo Luật: có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,98% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 446 đại biểu tán thành (bằng 92,53% tổng số đại biểu Quốc hội), 06 đại biểu không tán thành (bằng 1,24% tổng số đại biểu Quốc hội), 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cư trú (sửa đổi). Kết quả biểu quyết như sau:
Về Điều 27 “Điều kiện đăng ký tạm trú”: có 458 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,02% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 436 đại biểu tán thành (bằng 90,46% tổng số đại biểu Quốc hội), 18 đại biểu không tán thành (bằng 3,73% tổng số đại biểu Quốc hội), 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,83% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về Điều 38 “Điều khoản thi hành”: có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,40% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 446 đại biểu tán thành (bằng 92,53% tổng số đại biểu Quốc hội), 08 đại biểu không tán thành (bằng 1,66% tổng số đại biểu Quốc hội), 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về toàn bộ dự thảo Luật: có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,40% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 449 đại biểu tán thành (bằng 93,15% tổng số đại biểu Quốc hội), 05 đại biểu không tán thành (bằng 1,04% tổng số đại biểu Quốc hội), 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0, 21% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Kết quả biểu quyết như sau:
Về Điều 6 - Quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,19% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 451 đại biểu tán thành (bằng 93,57% tổng số đại biểu Quốc hội), 01 đại biểu không tán thành (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội), 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về Điều 17 - Chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,98% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 447 đại biểu tán thành (bằng 92,74% tổng số đại biểu Quốc hội), 03 đại biểu không tán thành (bằng 0,62% tổng số đại biểu Quốc hội), 03 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,62% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về toàn bộ dự thảo Luật: có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,19% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 450 đại biểu tán thành (bằng 93,36% tổng số đại biểu Quốc hội), 01 đại biểu không tán thành (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội), 03 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,62% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 4: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế.
Kết quả biểu quyết như sau: có 458 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,02% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 456 đại biểu tán thành (bằng 94,61% tổng số đại biểu Quốc hội); có 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 5: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.
Kết quả biểu quyết như sau:
Về Điều 1 “Tổng số thu và chi ngân sách Trung ương năm 2021”: có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,19% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 452 đại biểu tán thành (bằng 93,78% tổng số đại biểu Quốc hội); 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội);
Về Điều 2 “Phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021”: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,61% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 455 đại biểu tán thành (bằng 94,40% tổng số đại biểu Quốc hội); 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội;
Về Điều 5 - Hình thức và lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc: có 456 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,61% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 455 đại biểu tán thành (bằng 94,40% tổng số đại biểu Quốc hội); 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về toàn bộ dự thảo Nghị quyết: có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,40% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó, có 455 đại biểu tán thành (bằng 94,40% tổng số đại biểu Quốc hội).
Thứ Hai, ngày 16/11/2020: Quốc hội họp toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và thảo luận về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.