|
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk . Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Trước khi tiến hành biểu quyết thông qua, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Về sự cần thiết ban hành và phạm vi Nghị quyết, có ý kiến cho rằng, phạm vi chính sách tại dự thảo Nghị quyết còn hạn chế, đề nghị bổ sung các chính sách nhằm góp phần phát triển thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045, về phạm vi, quy mô của các chính sách, trong số 10 nhóm nhiệm vụ tại Kết luận, có 5 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội đã được thể hiện đầy đủ trong dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh có cơ chế đặc thù trong cả nước, đồng thời phát huy thế mạnh của địa phương.
Ngoài chính sách thí điểm thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Kết luận số 67. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23, theo đó các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng sẽ được xây dựng trong thời gian tới và cùng với Nghị quyết này sẽ tạo khung chính sách ưu đãi tương đối toàn diện để thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phát triển thành cực tăng trưởng, kích hoạt cho cả vùng phát triển.
Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Mặt khác, các chính sách cần tương thích với khả năng hấp thụ và tổ chức thực hiện. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn được giữ phạm vi chính sách thí điểm như dự thảo Nghị quyết, sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện.
Về các chính sách quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm định mức chi thường xuyên vì theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, việc ban hành định mức chi thường xuyên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không nên quy định tại Nghị quyết này.
Liên quan đến vấn đề này, Khoản 2 Điều 19 Luật Ngân sách nhà nước quy định, Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính - ngân sách nhà nước. Chính sách này đã được Quốc hội quy định tại các Nghị quyết đặc thù áp dụng đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế. Vì vậy, để bảo đảm tính pháp lý, tính thống nhất, thể chế hóa Kết luận số 67 và áp dụng trong suốt thời gian thí điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép quy định nội dung này tại Nghị quyết.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định rõ quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị và việc lập, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch nếu liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh thì cần tính toán kỹ và cần có ý kiến của các bộ liên quan, trong đó có Bộ Công an, Bộ Quốc phòng
Theo ông Bùi Văn Cường, dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhưng phải theo trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. Quá trình thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung này sẽ bảo đảm tuân thủ đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó có tổ chức lấy ý kiến của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực (trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư có liên quan đến các nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo Nghị quyết.
TTXVN