“Thu hút đầu tư vào đặc khu phải bảo vệ chủ quyền, văn hoá Việt Nam“

Đại biểu Quốc hội đề nghị những dự án đầu tư được cấp phép đầu tư vào đặc khu cần phải tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hoá Việt Nam.

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt (cùng với sự ra đời của 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Góp ý về mục tiêu và cách làm, phát triển đặc khu kinh tế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) nhấn mạnh, thực tế đã có nhiều quốc gia làm đặc khu thất bại do cách làm chứ không phải chủ trương. Thời điểm này chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nên phải xác định nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập, điều hành tại các đặc khu.

 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Những dự án đầu tư được cấp phép đầu tư vào đặc khu cần phải tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hoá Việt Nam.

Theo đại biểu, trước tiên, dự luật cần xác định rõ những dự án đầu tư được cấp phép đầu tư vào đặc khu cần phải “tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hoá Việt Nam”.

“Nếu nói cùng có lợi nhưng họ lợi 8, mình chỉ có 2 thì không đạt. Nhiều khi họ cam kết nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật chúng ta có quyền thu hồi, xử lý”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Liên quan tới chính sách ưu đãi về đất đai cho nhà đầu tư chiến lược được cấp đất tới 99 năm, so với quy định hiện hành là tối đa 70 năm và do Thủ tướng quyết định, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng chưa hợp lý. Đơn cử, nhà đầu tư chiến lược chỉ cần đầu tư 44.000 tỷ đồng vào xây dựng casino sẽ được cấp đất tới 99 năm.

“Liệu rằng 50 năm nữa còn xài tiền, còn đánh bạc không, nếu còn thì còn đánh theo kiểu casino hay không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại chúng ta có thu hồi đất hay không?”, ông Nghĩa đặt vấn đề và đề nghị không nên nới thêm thời gian giao đất, cũng như cần xem lại khái niệm nhà đầu tư chiến lược quy định tại dự luật hiện “quá dễ dãi”.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị, dự Luật cần quy định dự án thất bại phải quy định trả lại đất, và dự án nào muốn thay đổi ngành nghề khác thì phải thay đổi thủ tục. “Cần quy định có ngành không cho nước ngoài đầu tư, có những ngành không cho chuyển nhượng nước ngoài”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị.

Lưu ý về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đồng ý miễn thuế đến 2030, nhưng sau đó phải thực hiện theo quy định hiện hành, không thể giảm 50% cho những năm tiếp theo, bởi như vậy ngân sách sẽ thất thu và không công bằng với khu vực khác.

“Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại, không thể miễn thuế tiền thuê đất, mặt nước cả tuổi đời dự án 70 năm, 90 năm, vì như vậy không khác gì cho không đất đai cho những người thuê đất” – đại biểu kiến nghị.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình): Các nhà đầu tư đầu tư khi vào đều phải tính quyền lợi của họ

Không đồng tình với hai đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Phạm Văn Hoà, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) giơ biển tranh luận. Theo ông Thân, trong đầu tư kinh tế, không nên nghĩ họ được 8 còn mình được 2 vì nếu không làm thì 2 cũng không được, thậm chí mảnh đất đó để nguyên.

Vị đại biểu này phân tích, các nhà đầu tư đầu tư khi vào đều phải tính quyền lợi của họ. Mình được 2 nhưng vẫn có thể đồng ý được do đằng sau đó có thể khai thác thêm được nhiều khía cạnh, như casino, ngoài thu hút rất nhiều lao động còn thu hút được khách du lịch, thu được chi phí ăn ở khách sạn hạng sang...

Về thời hạn cho thuê đất, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho biết, hiện mô hình ở các nước châu Á đang rất khuyến khích, nhiều quốc gia yêu cầu đến 90 năm.

“Chúng ta nói “đất vàng” nhưng người ta nhìn thấy chỗ khác đất “vàng” hơn thì sao? Mình phải có cơ chế vượt trội, thậm chí hơn những người đi trước, ưu việt cả về kinh tế và chính trị để lôi kéo cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều