Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 15/5/2020.
Tại cuộc họp sáng 15/5, sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đã đạt thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra.
Đến nay, cả nước không còn ca bệnh trong cộng đồng, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh; đồng thời đã tích cực thực hiện các biện pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất nhập khẩu, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/5. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là ngành y tế đã kiểm soát tốt dịch bệnh; các lực lượng quốc phòng đã thực hiện hiệu quả công tác cách ly tập trung các trường hợp nhập cảnh, không để lây nhiễm ra cộng đồng; ngành giáo dục đã tổ chức tốt việc cho học sinh đi học trở lại bảo đảm an toàn...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn, đổi mới sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm sự bình yên cho nhân dân.
Các lực lượng y tế, quân đội, công an, chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, đông dân cư; phải bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, quyết không để dịch bệnh quay trở lại.
Chưa mở cửa du lịch quốc tế
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài; chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Các ngành quân đội, công an, y tế tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, công chức thực hiện công vụ, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam được tạo điều kiện nhập cảnh nhưng phải thực hiện cách ly phù hợp. Tiếp tục quản lý chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo người Việt Nam đang ở nước ngoài chưa về nước, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại; chỉ xem xét cho về nước đối với các trường hợp đặc biệt như học sinh dưới 18 tuổi, người đi khám chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn; công bố tiêu chí được về nước và chủ trì, tổ chức tốt việc đưa công dân Việt Nam về nước theo lộ trình phù hợp, công khai, minh bạch.
Ngành y tế, nhất là y tế công và các các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì các nhóm trực, phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; đẩy mạnh việc ứng dụng các công cụ công nghệ phục vụ phòng, chống dịch như Bluezone, nCoV…; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu về thuốc điều trị, vắc-xin phòng bệnh, hoàn thiện phác đồ điều trị Covid-19, lập hồ sơ sức khỏe người dân.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu, sớm đề xuất việc công bố hết dịch và chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 cho giai đoạn mới, lâu dài, bảo đảm hiệu quả về y tế, bền vững về kinh tế.
Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt chú ý quản lý tốt, tạo thuận lợi nhưng bảo đảm chặt chẽ trong thực hiện cách ly y tế đối với các chuyên gia, công nhân tay nghề cao, nhà quản lý được nhập cảnh.
Xử lý nghiêm nếu phát hiện việc ép người dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kịp thời thực hiện gói an sinh xã hội, bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, trục lợi chính sách; biểu dương các tấm gương tốt nhường phần được hỗ trợ cho người khó khăn hơn. Đại diện chính quyền không được ép người dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm.
Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến, thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu; lưu ý đẩy mạnh xuất khẩu các hàng hóa là thiết bị y tế, khẩu trang, KIT xét nghiệm SARS-CoV2.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch, trong đó tài trợ, hỗ trợ thiết bị y tế, khẩu trang, KIT xét nghiệm, máy thở… cho các nước phòng, chống dịch Covid-19, trước hết là các nước ở Châu Phi, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam.
Đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa
Đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Y tế và các Bộ, cơ quan liên quan xúc tiến quảng bá du lịch, chuẩn bị các việc cần thiết để mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, trước hết là từ các nước, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh; nghiên cứu đề xuất thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại, đầu tư trên cơ sở song phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức thực hiện phong trào vận động nhân dân ủng hộ nguồn lực cho phòng, chống dịch đạt hiệu quả tốt và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Giao Bộ Y tế thống nhất với Bộ Tài chính báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn xem xét, có phương án xử lý cụ thể, bảo đảm công khai, công bằng trong phân bổ, sử dụng khoản kinh phí ủng hộ cho phòng, chống dịch, trong đó có dành một phần để hỗ trợ cho bà con Việt kiều đang rất khó khăn tại một số nước trong đó có Lào và Campuchia.
Thủ tướng đồng ý tiếp tục giãn hơn các cuộc họp của Ban chỉ đạo. Thường trực Chính phủ sẽ định kỳ họp với Ban chỉ đạo khoảng gần 1-2 tuần/lần để quyết định các vấn đề lớn phát sinh.
Theo PV/VOV.VN