|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Cùng dự có lãnh đạo các các bộ, ngành Trung ương: Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Công Thương, Tài Nguyên - Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội...
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhất là đợt dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, kinh tế của tỉnh vẫn ổn định và có mức tăng trưởng (0,58%), là 1 trong 6 tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long có mức tăng trưởng dương; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả khá toàn diện; quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên...
Năm 2022, Kiên Giang tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan...
Trước mắt, tỉnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo nguồn lực được bố trí và cân đối...
Tỉnh Kiên Giang đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét một số vấn đề nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn như: kiến nghị điều chuyển một đoạn tuyến Quốc lộ 80 về cho tỉnh Kiên Giang quản lý, khai thác; tiếp tục thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; mở rộng sân bay Rạch Giá; bố trí phần vốn ngân sách Trung ương của Dự án Cảng Hành khách quốc tế Phú Quốc; đầu tư xây dựng 18 cống trên tuyến đê biển, ven biển tỉnh Kiên Giang; đầu tư kéo điện lưới quốc gia cho 02 xã đảo còn lại của tỉnh Kiên Giang.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu làm rõ tiềm năng, thế mạnh; những hạn chế; góp ý các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển tỉnh Kiên Giang; đồng thời giải đáp các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kiên Giang.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; với bờ biển dài hơn 200 km; vùng biển rộng trên 63.000 km2; có 05 quần đảo với hơn 143 đảo nổi lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc, thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam; có 02 cửa khẩu, 02 sân bay...
Tỉnh Kiên Giang là một trong số ít địa phương có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, vừa có đồng bằng, rừng nguyên sinh, đồi núi, biển đảo; nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc; có kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng; có lợi thế, tiềm năng phát triển cả nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Đặc biệt, người dân Kiên Giang có truyền thống yêu nước, kiên cường, anh dũng; lao động cần cù, tinh thần tương thân - tương ái, mến khách, luôn khát vọng vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước.
“Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, Kiên Giang có đầy đủ yếu tố để trở thành tỉnh mạnh về kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng, nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước; trung tâm du lịch của khu vực và thế giới”, Thủ tướng chỉ rõ.
Ngoài cơ bản đồng tình với báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển năm 2022, cũng như ý kiến phát biểu của các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị địa phương và các bộ, ngành thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để tỉnh Kiên Giang phát triển trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng, hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó.
Tỉnh cần tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Tỉnh phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại, né tránh; khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại; hành động quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp. Đầu tư tập trung, làm đến đâu, vấn đề nào dứt điểm đến đó. Cải tiến thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời trong thực thi công vụ; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Kiên Giang tiếp tục xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
|
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trước mắt, tỉnh phải kiểm soát thật tốt dịch bệnh; thực hiện hiệu quả phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đặc biệt là tiêm vaccine cho người dân; tạo nền tảng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tỉnh huy động mọi nguồn lực vào phát triển hạ tầng giao thông; khẩn trương triển khai công tác quy hoạch, cố gắng hoàn thành trong quý 3/2022 để tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và tìm ra khó khăn, hạn chế, yếu kém để có giải pháp hóa giải và thúc đẩy phát triển. Cùng với đó, tỉnh rà soát lại các dự án đầu tư công, cắt giảm những dự án kém hiệu quả, tập trung cho những dự án có hiệu quả cao; tập trung cho chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh; khôi phục, xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo kỹ sư thực hành; kiểm soát, chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp để khắc phục thẻ vàng IUU.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Kiên Giang tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tỉnh tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đạo tào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kiên Giang, sau khi các bộ, ngành đã có ý kiến, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý về mặt nguyên tắc. Theo đó, những chính sách nào không còn phù hợp, bất cập, kém hiệu quả thì các bộ, ngành liên quan sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyển sửa đổi, trên tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh cho cơ sở; những vấn đề mới, nếu thấy có lợi thì các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện. Đối với các dự án đầu tư hạ tầng phải nghiên cứu huy động nguồn lực, khuyến khích hợp tác công tư. Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành để phối hợp với tỉnh Kiên Giang giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kiên Giang.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã kiểm tra công trình lấn biển tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; nghe giới thiệu về tuyến đường ven biển của tỉnh Kiên Giang, dự án 18 cống đê biển, ven biển tỉnh Kiên Giang và tuyến điện kéo từ đất liền ra các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải. Đây là những dự án cho thấy tỉnh Kiên Giang đang đẩy mạnh phát triển hướng ra biển và từ biển, phát triển kinh tế biển và du lịch biển đảo.
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở thành phố Rạch Giá; bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với vị Anh hùng dân tộc đã xả thân chống giặc ngoại xâm, góp phần bảo vệ non sông, đất nước.
Theo Phạm Tiếp (TTXVN)