|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "Chống dịch như chống giặc"; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tỉnh trên tinh thần "3 không" (Không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu cơ chế, chính sách…).
“Với tinh thần tất cả vì Bắc Giang, nhiều ngày qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đều quan tâm đến Bắc Giang. Những đề xuất, đề nghị của tỉnh đều được các bộ, ngành liên quan nhất trí. Quan trọng là Bắc Giang tổ chức thực hiện thế nào, chúng ta phải làm và làm cho hiệu quả. Mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đặt chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trước hết và trên hết”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trước mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất, kinh doanh tại Bắc Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tăng cường quản lý toàn bộ lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh chứ không chỉ riêng các trường hợp F; giao Bộ Y tế nghiên cứu tiếp tục bổ sung sinh viên các trường ngành y về hỗ trợ Bắc Giang nếu cần thiết. Đồng thời chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ công nhân, người lao động, người dân bị ảnh hưởng do dịch.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ngoài việc thực hiện 5K trong phòng, chống dịch cần bổ sung thêm vắc xin và công nghệ; giao Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ngay các biện pháp công nghệ để quản lý người lao động, nhất là công nhân; xây dựng cơ sở dữ liệu cho người được hỗ trợ qua số điện thoại, không phải phát tiền trực tiếp; xác định phải vừa sản xuất, vừa kinh doanh, vừa chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, huy động hệ thống chính trị tại cơ sở trong phòng, chống dịch là vô cùng quan trọng. Cấp ủy, chính quyền ở cơ sở phải là hạt nhân trong lúc này; phải nắm chắc tình hình, đánh giá đúng tình hình, tham gia quản lý các đối tượng cần phải quản lý. Nhân dân là chủ thể, nhân dân là trung tâm trong việc góp phần kiềm chế, đẩy lùi và chấm dứt bệnh tật.
Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan quan tâm triển khai ngay các giải pháp, những đề nghị mà Bắc Giang đề xuất. Trung ương đã sẵn sàng tất cả. Mục tiêu sớm nhất yêu cầu đối với Bắc Giang là phải ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, theo nhận định đây là đợt dịch nguy hiểm, virus là chủng của Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao và lan rộng nhanh. Mặt khác dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên kiểm soát khó khăn do có mật độ công nhân tập trung lớn, làm việc trong môi trường yếm khí, di chuyển rộng, nhiều ca mắc COVID-19 đã di chuyển bằng phương tiện công cộng, sống cùng trong các khu nhà trọ, tốc độ lây lan nhanh.
Tính đến sáng 29/5, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện 3 ổ dịch với tổng số ca mắc COVID-19 là 2.025 trường hợp; F1 là 15.863 trường hợp; F2 là 65.850 trường hợp; đã có 1 trường hợp tử vong do COVID-19.
Đáng chú ý là ổ dịch tại Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) phát hiện đầu tiên tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hosiden Việt Nam từ ngày 14/5 có số lượng ca dương tính cao, diễn biến phức tạp. Đến nay, đã có 1.524 trường hợp ca mắc. Hiện chưa rõ ổ dịch ở Công ty này bắt nguồn từ đâu.
Trong 4 khu dân cư quanh khu công nghiệp ở huyện Việt Yên có mật độ công nhân các tỉnh tập trung cao. Tỉnh đã thực hiện xong việc sơ tán 3.000/7.100 người ra các khu cách ly tập trung để giảm tải mật độ dân cư, tránh lây nhiễm cộng đồng.
Thực hiện giải pháp “4 tại chỗ”, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã bố trí 13 khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với tổng công suất 3.600 giường. Tỉnh đang tiếp tục khảo sát, chuẩn bị các cơ sở mới đáp ứng thêm khoảng 1.800 giường; đã hoàn thành 1 đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng (ICU) tại Bệnh viện Phổi với 50 giường và đang khẩn trương xây dựng thêm 1 trung tâm ICU tại Bệnh viện Tâm thần (100 giường) để điều trị bệnh nhân nặng.
Dự báo trong những ngày tới, số lượng ca mắc tại tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục tăng do hiện nay tỉnh đang tập trung xét nghiệm lần 3, lần 4. Qua kết quả test nhanh, số lượng công nhân bị phơi nhiễm cao.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sớm đưa các doanh nghiệp trở lại sản xuất, trước mắt, UBND tỉnh Bắc Giang ưu tiên hướng dẫn, hỗ trợ 34 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm rất ít, một số doanh nghiệp lớn nguy cơ lây nhiễm thấp, nguy cơ lây nhiễm trung bình nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu (Apple, Samsung, Honda, Toyota) và các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu hoạt động trở lại. Đến ngày 29/5 đã có 2 doanh nghiệp với gần 200 lao động bắt đầu làm việc.
Về tình hình tiêu thụ nông sản, tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe, an ninh trật tự cho các doanh nghiệp, thương nhân, lái xe vào tỉnh Bắc Giang thu mua, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều.
Về an sinh xã hội, đã cơ bản đáp ứng được kịp thời nhu cầu thiết yếu của công nhân trong các khu nhà trọ, người dân trong các khu vực phong tỏa trên địa bàn tỉnh…
Ngay sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại Trung đoàn 831 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang).
Trung đoàn 831 hiện có 130 y, bác sỹ của Học viện Quân y 103 và lực lượng cán bộ Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga về hỗ trợ cho tỉnh trong thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Tại đây có 2 phòng xét nghiệm nhanh tại container chuyên dụng. Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga cũng lắp đặt các cabin xét nghiệm nhanh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ khó khăn, động viên các cán bộ, chiến sỹ, lực lượng y, bác sỹ tại đây với tinh thần thần tốc, quyết liệt hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn với tinh thần sẻ chia, đoàn kết, tin tưởng càng khó khăn tỉnh Bắc Giang càng nỗ lực vượt khó vươn lên. Các lực lượng nơi tuyến đầu cùng sự chung sức, chung lòng của người dân cả nước hướng về trong những ngày vừa qua, Bắc Giang sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục và ổn định sản xuất, đời sống.
Theo TTXVN